Thursday, September 26, 2024

Nào Hay Em Đã

 Dạo:

      Tưởng rằng có nợ có duyên,

Ngờ đâu người đã chóng quên lối về.

  

Cóc cuối tuần:

 

    Nào Hay Em Đã

 

Em bảo em là giọt nắng mai,

Xóa tan đi bóng tối đêm dài,

Cho anh có được vài giây phút,

Chăm chút con tim trót rạc rài.

 

Em bảo em như ánh nguyệt rằm,

Trở về từ một kiếp xa xăm,

Vì anh soi góc trời tăm tối,

Để lối hẹn hò bớt lạnh căm.

 

Em bảo em là một áng thơ,

Đẹp như phố núi quyện sương mờ,

Giúp người trai trẻ ngu ngơ ấy

Tìm thấy ngõ vào cõi mộng mơ.

 

Em bảo em như khúc nhạc tình,

Nồng nàn hơn ngọn lửa ba sinh,

Xập xình qua mấy tầng dâu bể,

Kể thế gian nghe chuyện chúng mình.

 

Em bảo em là một giáng tiên,

Vì anh nên một phút cuồng điên,

Bỏ thiên đường xuống trần lây lất,

Chia sẻ cùng anh giấc muộn phiền.

 

Em bảo em như chiếc đũa thần,

Kéo anh khỏi vực tối trầm luân,

Tấm thân nay hết còn đơn lẻ,

Trên lối tình chung nhẹ bước chân.

 

Anh như bỗng chốc được hồi sinh,

Thế giới từ đây thuộc chúng mình,

Nhấp mãi chén quỳnh không biết mệt,

Cuộc đời ắt đã hết linh đinh.

                     x

                 x      x

Nào hay em đã vội ra đi,

Thăm thẳm chân trời nẻo biệt ly,

Bỏ lại khối tình si vất vưởng,

Đêm ngày gắng gượng kiếp Trương Chi.

 

Sửng sờ anh chẳng hiểu vì sao,

Em bỏ đi không một tiếng chào.

Anh có bao giờ thay đổi dạ,

Sao em nỡ bến lạ neo sào.

 

Từ đó hết còn ánh nắng mai,

Chỉ nghe giông bão tắp hiên ngoài,

Trăng xưa cũng miệt mài xa vắng,

Quanh quẩn bên mình chẳng có ai.

 

Thơ như lưu thủy, tựa hành vân,

Vì vắng em nay bỗng lạc vần,

Khúc nhạc cũng âm thầm tắt lịm,

Khói sầu lấp kín mảnh trời xuân.

 

Nàng tiên quên bẵng hết câu thề,

Để lối đêm về lạnh tái tê.

Chiếc đũa thần kia giờ đã mất,

Mặc người đối mặt với cơn mê.

                     x

                 x      x

Vẹt gót giày lê lết một mình,

Hết rồi chuyện ước nguyện ba sinh.

Lối tình xác lá nằm la liệt,

Khúc "Phụng Cầu Hoàng" chết lặng thinh.

 

Vất bỏ không đành quá khứ kia,

Ơ hờ lạc đến nghĩa trang khuya.

Não nề nghe gió đêm về nhắc,

Hãy khắc cho mình tấm mộ bia.

             Trần Văn Lương

               Cali, 9/2024


Thơ Cóc cuối tuần này buồn quá!
Lại bị cô láng giềng hành (làm ngơ)?

Gửi chàng thi sĩ họ Trần

Tiếng đờn lưu thủy hành vân 
Khi không lạc điệu mất vần, bởi chưng
Nàng nhìn như thể người dưng 
Đốt tương tư thảo, ngập ngừng nhả thơ...

Anna Nguyen

Friday, September 6, 2024

Mặc Như Lôi - 默 如 雷

Dạo:

     Diệu thay Đạo Pháp không lời,

Trong im lặng chính một trời sấm vang.

 

Cóc cuối tuần:

 

           Mặc Như Lôi

 

      ,

      .

      ,

      .

      ,

     便 .

      

      .

                  

 

Âm Hán Việt:

 

        Mặc Như Lôi

 

Lôi thanh tịch tịch chấn càn khôn,

Bồ tát nhập vi diệu pháp môn.

Đế Thích tán dương toàn nhật dạ,

Không Sinh tĩnh tọa chỉnh thần hôn.

Cao đồ khan giác hoa nhi tiếu,

Lương mã thiếu tiên ảnh tiện bôn.

Đại Sĩ dao đàn, kinh dĩ giảng,

Nhân vi Chí Đạo bản vô ngôn.

            Trần Văn Lương

Nghĩa:

 

            Im Lặng Như Sấm Sét (1)

Tiếng sấm lặng lẽ làm rúng động trời đất,

Bồ tát nhập vào pháp môn huyền diệu.  (2)

Đế Thích tán thán thâu ngày đêm,

Không Sinh ngồi tĩnh tọa suốt sáng tối. (3)

Người trò giỏi nhìn đóa hoa của giác ngộ mà cười, (4)

Con ngựa giỏi liếc (thấy) bóng của roi bèn chạy. (5)

Đại Sĩ lay cái đài cao, kinh đã giảng (xong), (6)

Bởi chưng Đạo Lớn (7) vốn không lời. (8)

 

Chú thích:

 

(1) Mặc Như Lôi: đây là một thuật ngữ của Phật giáo, đặc biệt là của Thiền tông, ngụ ý nói rằng

mặc dù Phật, các Bồ tát và chư Tổ thường dùng im lặng để khai ngộ cho các đệ tử, nhưng tác động

của sự im lặng này mạnh mẽ như là sấm sét.

 

(2) Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, bản dịch của Thiền sư Thích Duy Lực, phẩm thứ chín, Nhập Pháp Môn Bất Nhị:

"

... Khi đó Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng:

   - Chúng tôi mỗi mỗi đã tự nói xong. Nay đến lượt nhơn giả nói : "Thế nào là nhập pháp môn

bất nhị của Bồ tát ?"

     Duy Ma Cật im lặng. Văn Thù tán thán rằng:

    - Lành thay ! Lành thay ! Cho đến chẳng có văn tự, lời nói mới là chơn nhập pháp môn bất nhị.

"

 

(Xin xem thêm Bích Nham Lục, tắc 87: Duy Ma Bất Nhị).

 

(3) Bích Nham Lục, tắc 6: Vân Môn Hảo Nhật:

Trích lời Bình của Viên Ngộ (bình bài Tụng của Tuyết Đậu):

"

...

Như Tu Bồ Đề (*) tránh ồn ào tìm chốn yên tĩnh, vào trong hang núi tĩnh tọa, vua trời

(Đế Thích) làm mưa hoa xuống tán thán Tu Bồ Đề rằng, "Tôi trọng tôn giả khéo giảng Bát nhã".

Tu Bồ Đề nói, "Tôi chưa từng nói một chữ nào về Bát nhã".

Đế Thích nói, "Tôn giả không có nói, tôi cũng không có nghe. Không nói không nghe,

đó mới thật là nói về Bát Nhã".

(*) Tên khác là Không Sinh.

 

(4) Vô Môn Quan, tắc 6: Thế Tôn Niêm Hoa:

     Xưa Thế Tôn tại pháp hội Linh Sơn giơ cành hoa lên để thị chúng. Lúc đó mọi người đều

lặng thinh, chỉ có Ca Diếp nở mặt mỉm cười.

Phật bảo:

    - Ta có chính pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết bàn, tướng thực không tướng, pháp môn

vi diệu, không lập văn tự, tuyền riêng ngoài giáo, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp.

 

(5) Vô Môn Quan, tắc 32: Ngoại Đạo Vấn Phật:

Cử:

Một kẻ ngoại đạo hỏi Phật:

- Không hỏi hữu ngôn, không hỏi vô ngôn.

Thế Tôn ngồi yên trên tòa. Ngoại đạo tán thán nói:

- Thế Tôn đại từ đại bi, khai mở đám mây tối tăm cho tôi, khiến cho tôi được vào.

Rồi làm lễ đầy đủ mà đi. A Nan tìm hỏi Phật:

- Ngoại đạo ngộ cái gì mà tán thán rồi đi vậy?

Thế Tôn nói:

- Như ngựa giỏi của thế gian, thấy bóng roi bèn chạy.

 

(Xin xem thêm Bích Nham Lục, tắc 65: Ngoại Đạo Lương Mã)

 

(6) Bích Nham Lục, tắc 69: Đại Sĩ Giảng Kinh:

Cử:

Lương Vũ Đế thỉnh Phó Đại Sĩ giảng kinh. Đại Sĩ lên tòa giảng,

lay bàn một cái rồi xuống khỏi tòa.

Vũ Đế ngạc nhiên.

Chí Công hỏi: "Bệ hạ có hiểu không?".

Đế bảo: "Không hiểu".

Chí Công nói: "Đại Sĩ giảng kinh xong rồi".

 

(7) Về chữ Đạo Lớn (Chí Đạo) xin xem thêm Tín Tâm Minh của Tam tổ Tăng Xán.

 

(8) Bích Nham Lục, tắc 12: Động Sơn Tam Cân:

 

Trích lời Bình của Viên Ngộ:

...  Há không thấy người xưa bảo: Đạo vốn không lời, nhân lời mà bày tỏ đạo,

thấy đạo rồi tức quên lời.

 

Xin so sánh với:

   - Lão tử Đạo Đức Kinh, chương Thể Đạo: "Đạo khả đạo, phi thường đạo" và chương Dưỡng Thân:

"Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo" (Vì vậy

thánh nhân dùng "vô vi" mà xử sự, dùng "không lời" mà dạy dỗ).

   - Trang tử Nam Hoa Kinh, thiên Trí Bắc Du: "Cố thánh nhân hành bất ngôn

chi giáo" (Cho nên thánh nhân thực hành việc giáo hóa mà không dùng lời nói).

 

 

Phỏng dịch thơ:

 

        Im Lặng Sấm Sét

 

Lặng im như sấm nổ tung trời,

Bồ tát làm thinh khéo độ người.

Đế Thích tán dương thời chẳng dứt,

Không Sinh tĩnh tọa phút nào ngơi.

Ngựa hay roi chửa hươi đà chạy,

Kẻ ngộ hoa vừa thấy vội cười. 

Đại Sĩ ngậm hơi, kinh giảng trọn,

Bởi chưng Đạo Lớn vốn không lời.

              Trần Văn Lương

                 Cali, 9/2024

 

Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư:

    Thế Tôn lặng thinh, Duy Ma Cật không lời, thế mà sự im lặng lại vang như sấm sét!

     Quả có lý này ư?

    Trong kinh (Hoa Nghiêm, Lăng Già) Đức Phật dạy rằng trong 49 năm giáo hóa Ngài

chưa hề nói một chữ hay một lời nào.

    Khó hiểu thật ư? Hãy nhìn cánh hoa kia và khẽ mỉm cười!

    Đấy!

    Lành thay!

Monday, July 29, 2024

Thú Dữ

 Dạo:

        Thú rừng có dữ mười mươi,

Cũng không độc ác bằng người với nhau.



 I. Cóc cuối tuần Phú Lang Sa (Sonnet, alexandrin, rimes: ABBA ABBA CCD EDE)

Les Prédateurs

 

Les nuages décampent, bannis par la chaleur,

Commence le falcon sa chasse quotidienne,

D'en-haut ses yeux perçants visent sa proie terrienne,

Le lièvre rencontre donc son dernier malheur.

 

Dans la forêt le lion, calme comme un voleur,

Toujours prêt à réagir, presto, quoi qu'il advienne,

Avec patience attend que sa victime vienne,

Laquelle va souffrir l'indicible douleur.

 

Si cruel que ce semble, néanmoins par leur nature

Ces animaux doivent tuer pour leur nourriture,

À tort blâmés d'être de méchants malfaiteurs;

 

Mais l'homme, au contraire, par le crime et la guerre,

Sans doute est le pire de tous les prédateurs,

Massacrant l'un l'autre, ruinant à fond la terre. 

                Trần Văn Lương

                   Cali, 7/2024


 

II. Thơ Việt:

 
            Thú Dữ 


 

Trời rực lửa, mây đen dần tứ tán,

Chim ưng đang sửa soạn chuyến săn mồi,

Mắt sáng ngời không ngớt quét ngược xuôi,

Bầy thỏ nhỏ phút cuối đời đã tới.

 

Con sư tử vẫn nín hơi nằm đợi,

Nanh vuốt luôn trong trạng thái sẵn sàng,

Con mồi nào lỡ xui xẻo chạy ngang

Sẽ gặp kiếp nạn vô vàn thảm thiết.

 

Lũ cầm thú dù mang danh ác nghiệt,

Luật thiên nhiên chúng chỉ biết tuân hành.

Vì sống còn, chúng đã phải sát sanh.

Tuy hành động quả thập thành tàn khốc.

 

Nhưng trái lại, con người sao ác độc,

Luôn tạo thành cảnh chết chóc, chiến tranh,

Gây tang thương cho triệu triệu dân lành,

Đó mới chính đích danh là thú dữ.

               Trần Văn Lương

                  Cali, 7/2024

 

 

III. Thơ Anh văn: (Shakespearean sonnetiambic pentameter, rhymes: ABAB CDCD EFEF GG)

 

        The Predators 


 

The clouds are scattered by the brutal heat,

The falcon starts its daily hunting chore,

Its piercing eyes have found its daily meat,

The hare then meets the River Styx dark shore.

 

The lion hence proceeds to lie in wait,

Forever ready for all that may come,

With patience listens to its victim's gait,

That beast will soon its usual meal become.

 

However things appear externally,

The laws of nature are immutable.

These animals, due to their destiny,

Must kill to live, hence less reproachable.

 

And man, of war and crime real fomenter,

Is certainly the meanest predator.

              Trần Văn Lương

                 Cali, 7/2024

 

 

IV. Thơ Tây Ban Nha: (Soneto clásico, endecasílabos, rimas: ABBA ABBA CDC DCD)

 

     Depredadores

 

Las nubes, el calor ha desterrado,

Ha comienzado su caza el halcón.

Al ver la presa, aprisa toma acción,

La liebre su última pena ha encontrado.

 

El león, en el bosque agazapado,

Despuesto para cualquier reacción,

Firmemente quedando en el talón,

Está esperando que llegue el venado.

 

Los animales, por naturaleza,

Sólo para evitar el hambre matan

Falsamente acusados de bruteza.

 

De los depredadores que se tratan,

Hombres son los peores, con certeza,

Con guerra y crímen, la tierra desmatan.

            Trần Văn Lương

              Cali, 7/2024

 

V.  Thơ Latin: (dactylic hexameter) (*)

 

       Praedatoria Animalia

 

Effugiunt nubes, pulsae vehementi calore,

Falco aggredit quotidianam venationem.

Cum acutis oculis praedam andagat ab aere,

Lepus ergo incidit finem dolorosam.

 

In silva alta, leo sicut fur nox placidus est,

Et semper velox ad actiones habendum.

Victimae incautae adventum expectat patienter,

Haec igitur patitur valde tragoediam atrocem.

 

Secundum naturam, crudelem et asperam,

Ad vivendum, animalia occidere alia debent,

Male accusata sunt ut atrocissimi scelesti;

Homo autem, contra, cum bello scelereque,

Certe pessimus inter omnes praedatores est,

Inter se occidens et terram depopulans.

                   Trần Văn Lương

                      Cali, 7/2024

 

(*) Ghi chú:

    Phân nhịp (scan) ra các pieds (dactyl: D, spondee: S)

như sau (pied thứ 5 bao giờ cũng phải là một dactyl):

 

Ēffŭgĭ|ūnt nū|bēs, pūl|sǣ vĕhĕ|mēntĭ că|lōre,                   DSSDDS

Fālco‿āg|grēdīt| quōtĭdĭ|ānām| vēnătĭ|ōnem.                  SSDSDS

Cum‿ācū|tīs ŏcŭ|līs prǣ|dām⁔ān|dāgăt ăb| ǣre            SDSSDS

Lēpūs| ērgō|⁔īncī|dīt fī|nēm dŏlŏ|rōsam                          SSSSDS

 

Īn sīlva|‿āltă, lĕ|ō sī|cūt fūr| nōx plăcĭ|dūs est,                SDSSDS

Ēt sēm|pēr vē|lōx ād| āctī|ōnĕs hă|bēndum.                       SSSSDS

Vīctī|mae‿īncāu|tae‿ādvēn|tum‿ēxpēc|tāt pătĭ|ēnter,  SSSSDS

Hǣc ĭgĭ|tūr pătĭ|tūr vāl|dē trā|gœ̄dĭam‿ă|trōcem.            DDSSDS

 

Sēcūn|dūm nā|tūrām|, crūdē|lēm⁔ĕt ăs|pēram,                SSSSDS

Ād vī|vēndum,‿ănĭ|mālĭă|⁔ōccĭdĕ|re‿ālĭă| dēbent,      SDDDDS

Māle‿ā|ccūsătă| sūnt ŭt ă|trōcīs|sīmĭ scĕ|lēsti;                SDDSDS

Hōmō|⁔āutēm|, cōntrā|, cūm bēl|lō scĕlĕ|rēque              SSSSDS

Cērtē| pēssĭmŭs| īntēr| ōmnēs| prǣdătŏ|rēs est,                SDSSDS

Īntēr| sē⁔ōc|cīdēns| ēt tēr|rām dĕpŏ|pūlans.                    SSSSDS

 

 

VI.  Thơ Hán:

 

          

 

      ,

      ,

      ,

      .

 

      ,

      .

      ,

      .

 
      ,
      ,

      ,

      .   

 

      ,

      .
      ,
      .

             

 

 

Âm Hán Việt:

 

               Ác Thú

Thanh thiên nhiệt lãng tán ô vân,

Thụ thượng lão ưng tảo khởi thân,

Thiểm thiểm mục quang tuần khoáng thổ,

Thị trung tiểu thố tất quy thần.

 

Sư lãnh tĩnh như dạ tặc nhi,

Tha nha trảo tổng bị tùy thì.

Ô hi, liệp vật phùng nguy lộ,

Trát nhãn chi gian ngộ tử kỳ.

 

Dã thú tuy tần tạo huyết tinh

Đản tha môn chỉ bảo kỳ sinh.

Phân minh tuân tự nhiên quy luật,

Nhật nhật bình tâm sát bất đình.

 

Nhân loại nhiên nhi hựu bất đồng,

Hỗ tương đồ sát, sự nan dung.

Chiến tranh gia thượng xung thiên tội,

Nhân thị trần gian vật tối hung.

       Trần Văn Lương

          Cali, 7/2024

 

Nghĩa:

 


                Thú Dữ

Trên trời xanh làn hơi nóng làm tan mây đen,

Trên cây con chim ưng già dậy sớm,

Đôi mắt lấp loáng tuần tra vùng đất rộng,

Con thỏ nhỏ ắt phải (lên) chầu Trời.

 

Con sư tử yên lặng như kẻ trộm đêm,

Răng và móng vuốt luôn sẵn sàng.

Than ôi, con mồi đụng phải con đường nguy hiểm,

Trong chớp mắt gặp kỳ hạn chết đến.

 

Loài thú hoang dù hay đổ máu,

Nhưng chỉ vì muốn bảo tồn mạng sống mình.

Rõ ràng tuân theo quy luật tự nhiên,

Nên thản nhiên giết hại mỗi ngày không ngừng nghỉ.

 

Tuy nhiên, nhân loại thì lại khác,

Chuyn giết hại nhau khó có thể chấp nhận được.

Với chiến tranh cộng thêm tội ác ngập trời,

Con người là sinh vật hung dữ nhất trần gian.

Friday, July 5, 2024

Sáu Mươi Năm

 Dạo:

     Rời trường đã sáu mươi năm,

Dù xa cách vẫn âm thầm tìm nhau.

  

Cóc cuối tuần:

 

          Sáu Mươi Năm

 

   (Ghi dấu ngày Hội Ngộ 60 năm của một số

   cựu học sinh Đệ IB Võ-Tánh NT, NK 63-64)

 

Ngồi nhớ lại hai mươi năm về trước,

Lớp Nhất B may mắn được thỏa lòng,

Gặp lại nhau sau bốn chục năm ròng,

Để đánh dấu ngày học xong Trung học.

 

Nhưng hạnh phúc vèo qua trong thoáng chốc,

Bạn bè đành phải khó nhọc chia tay,

Lòng thầm mong gặp lại sẽ có ngày,

Nhưng thời hạn, rủi thay, chưa được chọn.

 

Rồi từ đó mỗi người về mỗi chốn,

Ai nấy đều bận rộn chuyện làm ăn,

Theo dòng đời mãi ngụp lặn trôi lăn,

Chẳng để ý thời gian qua quá vội.

                        x

                  x          x

Năm nay bỗng vang vang lời kêu gọi,

Bạn bè nghe lại khăn gói lên đường,

Mặc xa gần hay cách trở đại dương,

Miễn được thỏa ước mơ từng ấp ủ.

 

Kể từ lúc rời xa ngôi trường cũ.

Đến bây giờ vừa đủ sáu mươi năm.

Tuổi học trò dù đã quá xa xăm,

Kỷ niệm cũ luôn hằn trong tâm khảm.

 

Phút vui vẫn vướng ít nhiều thương cảm,

Khi nhắc tên những người bạn thiếu thời,

Kỳ họp rồi có lặn lội về chơi,

Nay đã sớm hóa ra người thiên cổ.

 

Dẫu biết trước người chẳng còn đủ số,

Nhưng vẫn nghe thoáng buồn khổ trong lòng.

Thầy mới vừa nợ trần thế giũ xong,

Trò về họp cũng không đầy một nửa.

 

Đành gắng gượng cùng nhau vui một bữa,

Biết mai này còn gặp nữa hay không,

Bóng hình nhau cố khắc kỹ trong lòng,

Để tình bạn cuối đời không tàn lụi.  

 

Tíu tít, lăng xăng, mừng mừng, tủi tủi,

Thầm biết rằng với số tuổi này đây,

Chắc sẽ chẳng có ngày

Được vui vẻ sum vầy như hiện tại.

 

Người người thi nhau nhắc lại

Thuở học trò, thời thoải mái vui chơi,

Chỉ bận lòng chút sách vở mà thôi,

Chẳng thắc mắc chuyện dòng đời sóng gió.

 

Xong thi cử, ngay mùa hè năm đó,

Đàn chim non theo số phận ngược xuôi.

Rồi chẳng may gặp đại nạn đổi đời,

Mỗi đứa lại mỗi phương trời trôi giạt.

 

Nhưng may mắn nhờ cao xanh ghé mắt

Cho đất người được họp mặt cùng nhau,

Qua hai lần hội ngộ trước sau,          

Tạm chốc lát quên nỗi sầu ly biệt.

                        x

                  x          x

Vui chửa trọn, đã đến giờ tan tiệc,

Lần hẹn sau, nếu có, biết bao giờ!

Ai nấy đều đầu tóc đã bạc phơ,

E rằng sẽ ít còn cơ hội nữa.

 

Phút từ giã, người loay hoay lần lữa,

Chân ngoài sân, chân trong cửa dùng dằng,

Lòng bùi ngùi, cố gượng gạo nói năng,

Thầm tự hỏi phải chăng đây lần cuối.

 

Ai cũng biết sức mình giờ đã đuối,

Nên mong mau có hội ngộ kỳ ba,

Sợ chần chờ, ngày tháng chóng vụt qua,

Sẽ chẳng có còn ai mà "hội ngộ"!

               Trần Văn Lương

                  Cali, 7/2024