Dạo:
Vạch mây mong kiếm mặt trời,
Mặt trời chẳng thấy, cóc ngồi cóc kêu .
Âm Hán Việt:
Phi vân
Bạch vân chước thước ngọa hoành giang,
Dục dục hoàng hoa mãn lộ bàng.
Thủy thượng ngân xà tùy lãng vũ,
Viên trung tú điệp kỵ phong hàng.
Tam môn, trù khố, tâm do ẩn,
Phật điện, đăng lung, bảo hựu tàng.
Đài thủ phi vân vô nhật ảnh,
Na tùng hà xứ phát dương quang ?
Nghĩa:
Vạch mây (1)
Mây trắng chói lọi nằm ngang sông,
Rực rỡ hoa vàng đầy bên đường.
Trên mặt nước, rắn bạc theo sóng nhảy múa,
Trong vườn, bướm ngũ sắc cỡi gió bay là là xuống .
Tại cửa tam quan, trong kho bếp, cái tâm còn nằm ẩn , (2)
Trong phật điên, trên cái đèn lồng , bảo vật vẫn còn che
giấu. (3)
Giơ tay vạch mây ra, chẳng thấy bóng dáng mặt trời đâu cả,
Thế thì ánh sáng mặt trời từ đâu tới ?
Chú thích:
(1) Thành ngữ Trung hoa: Phi vân kiến nhật : vạch mây ra thấy mặt trời .
(2) Công án : Vân Môn quang minh, Bích Nham lục, tắc 89 (tắc 86 theo bản của Cổ Phương Thiền sư:)
Thiền Sư Vân Môn* thị chúng:
- Ai ai cũng có cái quang minh nơi mình. Tuy nhiên lúc nhìn lại tối mò. Vậy cái quang minh của mọi người là cái gì ?
Sư lại đáp dùm:
- Kho bếp, cổng tam quan.
Lại nói :
- Việc tốt chẳng bằng không.
(3) Công án: Vân Môn nhất bảo, Bích Nham lục, tắc 62
Thiền Sư Vân Môn thị chúng:
- Giữa càn khôn, trong vũ trụ, có một vật báu, ẩn tại núi hình tướng. Cầm đèn lồng đi vào Phật điện, đem
cổng tam quan đặt trên đèn lồng.
* Vân Môn Văn Yển là pháp từ của Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Sư là tổ của Vân Môn Tông (là 1 trong 5 nhánh lớn của Thiền Tông Trung Hoa: Lâm Tế, Quy Ngưỡng , Tào Động, Pháp Nhãn và Vân Môn).
Dịch thơ:
Vạch mây
Chói loà mây trắng vắt qua sông,
Khắp chốn hoa tươi rực ánh hồng.
Rắn bạc theo dòng vui múa lượn,
Bướm hoa cỡi gió nghịch bay vòng.
Tam quan, nhà bếp, tâm không động ,
Phật điện, đèn lồng, báu chẳng mong.
Mây rẽ, mặt trời nào thấy bóng,
Do đâu ánh sáng ngập trời trong ?
Lời bàn huề vốn của Phi Dã Thiền Sư:
Thấy được mặt trời quả là khó thay !
Trong tối mà có sáng, trong sáng mà có tối, làm thế nào gặp nhau ? Than ôi, tấm lòng Vân Môn thật là từ bi như lòng lão bà, suốt đời lận đận vì người. Tuy nhiên như thế, còn ai thấy được Thạch Đầu chăng ?
*Thạch Đầu Hy Thiên là đệ tử của Thanh Nguyên Hành Tư, cùng xiển dương Thiền Tông một thời với Mã Tổ Đạo Nhất.
Sư hoằng hóa ở Hồ Nam còn Mã Tổ thì ở Giang Tây. Sư là tác giả của bài "Tham Đồng Khế " được lưu truyền rộng rãi chốn Thiền môn, trong đó có câu: "Đang trong sáng mà có tối, đừng dùng tối mà gặp nhau; đang trong tối mà có sáng, đừng dùng sáng mà nhìn nhau".
No comments:
Post a Comment