Friday, July 5, 2024

Sáu Mươi Năm

 Dạo:

     Rời trường đã sáu mươi năm,

Dù xa cách vẫn âm thầm tìm nhau.

  

Cóc cuối tuần:

 

          Sáu Mươi Năm

 

   (Ghi dấu ngày Hội Ngộ 60 năm của một số

   cựu học sinh Đệ IB Võ-Tánh NT, NK 63-64)

 

Ngồi nhớ lại hai mươi năm về trước,

Lớp Nhất B may mắn được thỏa lòng,

Gặp lại nhau sau bốn chục năm ròng,

Để đánh dấu ngày học xong Trung học.

 

Nhưng hạnh phúc vèo qua trong thoáng chốc,

Bạn bè đành phải khó nhọc chia tay,

Lòng thầm mong gặp lại sẽ có ngày,

Nhưng thời hạn, rủi thay, chưa được chọn.

 

Rồi từ đó mỗi người về mỗi chốn,

Ai nấy đều bận rộn chuyện làm ăn,

Theo dòng đời mãi ngụp lặn trôi lăn,

Chẳng để ý thời gian qua quá vội.

                        x

                  x          x

Năm nay bỗng vang vang lời kêu gọi,

Bạn bè nghe lại khăn gói lên đường,

Mặc xa gần hay cách trở đại dương,

Miễn được thỏa ước mơ từng ấp ủ.

 

Kể từ lúc rời xa ngôi trường cũ.

Đến bây giờ vừa đủ sáu mươi năm.

Tuổi học trò dù đã quá xa xăm,

Kỷ niệm cũ luôn hằn trong tâm khảm.

 

Phút vui vẫn vướng ít nhiều thương cảm,

Khi nhắc tên những người bạn thiếu thời,

Kỳ họp rồi có lặn lội về chơi,

Nay đã sớm hóa ra người thiên cổ.

 

Dẫu biết trước người chẳng còn đủ số,

Nhưng vẫn nghe thoáng buồn khổ trong lòng.

Thầy mới vừa nợ trần thế giũ xong,

Trò về họp cũng không đầy một nửa.

 

Đành gắng gượng cùng nhau vui một bữa,

Biết mai này còn gặp nữa hay không,

Bóng hình nhau cố khắc kỹ trong lòng,

Để tình bạn cuối đời không tàn lụi.  

 

Tíu tít, lăng xăng, mừng mừng, tủi tủi,

Thầm biết rằng với số tuổi này đây,

Chắc sẽ chẳng có ngày

Được vui vẻ sum vầy như hiện tại.

 

Người người thi nhau nhắc lại

Thuở học trò, thời thoải mái vui chơi,

Chỉ bận lòng chút sách vở mà thôi,

Chẳng thắc mắc chuyện dòng đời sóng gió.

 

Xong thi cử, ngay mùa hè năm đó,

Đàn chim non theo số phận ngược xuôi.

Rồi chẳng may gặp đại nạn đổi đời,

Mỗi đứa lại mỗi phương trời trôi giạt.

 

Nhưng may mắn nhờ cao xanh ghé mắt

Cho đất người được họp mặt cùng nhau,

Qua hai lần hội ngộ trước sau,          

Tạm chốc lát quên nỗi sầu ly biệt.

                        x

                  x          x

Vui chửa trọn, đã đến giờ tan tiệc,

Lần hẹn sau, nếu có, biết bao giờ!

Ai nấy đều đầu tóc đã bạc phơ,

E rằng sẽ ít còn cơ hội nữa.

 

Phút từ giã, người loay hoay lần lữa,

Chân ngoài sân, chân trong cửa dùng dằng,

Lòng bùi ngùi, cố gượng gạo nói năng,

Thầm tự hỏi phải chăng đây lần cuối.

 

Ai cũng biết sức mình giờ đã đuối,

Nên mong mau có hội ngộ kỳ ba,

Sợ chần chờ, ngày tháng chóng vụt qua,

Sẽ chẳng có còn ai mà "hội ngộ"!

               Trần Văn Lương

                  Cali, 7/2024

Friday, June 21, 2024

Đi Chơi Đêm

 Dạo:

       Người trần thế, kẻ u minh,

Mấy ai biết được chính mình là ai?

 

Cóc cuối tuần:

 

      

    ,
    ,
    ,
    ?

          

 

Âm Hán Việt:

 

        Dạ Du

Nguyệt ẩn, vũ phân phân,

Lộ biên, nhất cổ phần,

Cô thân vô mộ chí,

Phần lý thị hà nhân?

   Trần Văn Lương

 

Dịch nghĩa:

 

     Đi Chơi Đêm

Trăng trốn, mưa lả tả,

Bên đường, một nấm mồ xưa, 

Trơ trọi một mình không có mộ bia,

Trong mộ là người nào?

 

Phỏng dịch thơ:

 

     Đi Chơi Đêm

Trăng khuất, gió mưa bay,

Nấm mồ cũ lất lây,

Mộ bia rày chẳng có,

Nằm đó chính ai đây?

    Trần Văn Lương

      Cali, 6/2024

 

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:   

Thực ra, ai là người cần đến câu trả lời:

    - Người đi chơi đêm ư?

    - Người dưới mộ ư?

    - Cả hai ư?

    - Không ai cả ư?

Hỏi người là ai, sao bằng hỏi chính mình là ai!

Than ôi, ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng,

thọ giả tướng... làm sao bỏ được đây!

Hỡi ơi!


 


Đêm mưa

Chơ vơ nấm mộ bên đường
Mưa khuya hiu hắt, trăng nương náu mình
Tư bề quạnh quẽ lặng thinh
Mồ hoang ai đó? Bóng hình lướt qua...

*

Rainy night

Rain is falling and the moon is hiding 
A forlorn figure passing through the night
Without a tombstone, by the roadside,
Whose lonely grave is this?

Yên Nhiên

Thursday, June 6, 2024

Bập Bềnh Nẻo Nhớ

 Dạo:

       Xa nhau đã mấy mươi mùa,

Trăng treo nẻo nhớ, gió khua giấc buồn.

  

Cóc cuối tuần:

 

         Bập Bềnh Nẻo Nhớ

 

    Trăng méo mó rụt rè lắp bắp

    Giục tuổi già gấp gáp tìm nhau.

         Gật gù mái tóc trắng phau,

Lúng ba lúng búng nhai câu kinh buồn.

 

    Kỷ niệm bỗng trào tuôn như suối,

    Lòng thẫn thờ hối lỗi vu vơ.

         Vật vờ trôi giữa cơn mơ,

Ngu ngơ chẳng biết đang chờ đợi ai.

 

    Xưa xăm xúi miệt mài lối học,

    Có nào hay tuổi ngọc chóng qua,

         Đến khi chợt tỉnh giấc ngà,

Người em gái nhỏ đã xa ngút ngàn.

 

    Từ dạo đó quan san cách trở,

    Em bây giờ biết ở nơi đâu,

         Có còn thoáng nghĩ đến nhau,

Hay vô tình tựa vó câu cuối trời.

 

    Anh ở lại ôm đời lận đận

    Đã rập rình mấy bận tìm em.

         Nhưng khi phố xá lên đèn,

Vẫn hoài đối diện đêm đen một mình.

 

    Xưa nhút nhát làm thinh không nói,

    Khiến giờ đây tiếc nuối trễ tràng.

         Xa rồi một chuyến đò ngang,

Để ai bến cũ bàng hoàng nhớ thương.

 

    Nhớ áo cánh sân trường tiểu học,

    Nhớ đường về lóc cóc guốc vang,

         Nhớ đôi mắt thỏ dịu dàng

Xót xa nhìn xác lá vàng nằm phơi. 

 

    Nhớ nắng ấm của thời Trung học,

    Nhớ cổng trường mái tóc ai bay,

         Nhớ giờ tan học chia tay,

Nhớ khi hè đến loay hoay bước sầu.

 

    Nhưng định mệnh cơ cầu rẽ lối,

    Học nửa chừng em vội sang ngang.

         Trường xưa cây cỏ úa vàng,

Lối xưa phượng héo thành hàng lệ rơi.

 

    Nửa thế kỷ đường đời heo hút,

    Ngày tháng tày ngựa vút qua song,

         Một mình gối chiếc phòng không,

Phân vân chẳng biết lòng mong ước gì.

  

    Hiện tại đó chắc chi là thật,

    Quá khứ đà đánh mất từ lâu,

         Tương lai mãi tận đâu đâu,

Họa chăng còn có nỗi sầu này thôi.

 

    Câu kinh cũ về khơi nỗi nhớ,

    Khúc ca buồn cắc cớ hùa theo.

         Gió khuya khua nhẹ cánh bèo,

Chừng như thoảng tiếng đò chèo năm nao.     

                  Trần Văn Lương

                     Cali, 6/2024

Thursday, January 18, 2024

Mưa Cuối Năm

 Dạo:

       Quay về đánh bạn với tinh,

Lầm tay liễu ngõ, thấy mình trắng tay.

  

Cóc cuối tuần:

 

   Mưa Cuối Năm

 

Mưa rỉ rả rập rình

Như lời kinh cứu độ.

Người ngượng ngùng xấu hổ,

Buồn khổ chuyện vừa qua.

 

Từng giọt vỡ xót xa

Trong tim già lạnh cóng.

Câu kinh dường lạc lõng,

Lúng búng chẳng nên lời.

 

Thoảng trong tiếng mưa rơi,

Có tiếng cười băng giá,

Tiếng ngọt ngào lơi lả

Dối trá của tình đời.

 

Người ngước mắt nhìn trời,

Lòng rối bời trăm mối,

Vừa thẹn thùng biết lỗi,

Vừa tiếc nuối vu vơ.

 

Trách mình tóc bạc phơ

Còn ngây thơ khờ dại,

Đem tiền về quê rải,

Mong hái mận bẻ đào.

 

Tai nghe tiếng thì thào,

Ngọt ngào và êm ái,

Của những người con gái,

Đã từng trải gió sương.

 

Chân men lối đoạn trường

Đến Thiên đường giả tạo.

Hồn say mê mộng ảo,

Tưởng chồn cáo là tiên.

 

Nhưng khi mỏi hết tiền,

Nàng tiên thành ác quỷ.

Như ăn mày mất bị,

Người về Mỹ trắng tay.

 

Vợ con ở chốn này,

Sau bao ngày chới với,

Quyết không còn biết tới

Kẻ phơi phới phụ tình.

                 x

             x      x

Người dừng bước lặng thinh,

Giận mình xưa nghĩ quẩn.

Chỉ mảy may lầm lẫn,

Mà chuốc hận trăm năm.

 

Gió dần rít lạnh căm,

Át lời ăn năn muộn.

Lá vàng con nước cuốn,

Luống cuống bám nhành rong.

 

Giông bão nổi trong lòng.

Non Bồng đà mất lối,

Lượn lờ trong bóng tối

Câu tiếc hối trễ tràng.

      Trần Văn Lương

         Cali, 1/2024

Thursday, December 14, 2023

Đã Mấy Giáng Sinh Rồi

 Dạo:

        Đã qua mấy Giáng Sinh rồi,

Nhà già ai vẫn gượng ngồi ngóng trông.

  

Cóc cuối tuần:

 

        Đã Mấy Giáng Sinh Rồi

 

      Nhà dưỡng lão, đèn màu vụt tắt,

      Hành lang đêm lặng ngắt như tờ,

          Lão bà đôi mắt trõm lơ,

Nghẹn ngào thao thức vật vờ trở trăn.

 

      Buồn nhớ lại những năm về trước,

      Khi hai người còn được bên nhau,

          Chồng lo nuôi vợ ốm đau,

Thuốc thang rau cháo đấy đâu sẵn sàng.

 

      Dẫu khuya khoắt trễ tràng mở mắt,

      Đều thấy chồng có mặt trông nom,

          Ông tuy thân xác gầy còm,

Vẫn chăm sóc vợ sớm hôm một mình.

 

      Mỗi lần Lễ Giáng Sinh về đến,

      Cháu con qua bày biện cửa nhà,

          Cùng mừng đón Chúa sinh ra,

Và sum họp với mẹ cha, ông bà.

 

      Vừa khi tiếng thánh ca tắt lặng,

      Mọi người trao quà tặng cho nhau,

          Tạm quên hết những cơ cầu,

Nỗi buồn biệt xứ, giấc sầu tha hương.

 

      Ngờ đâu sổ đoạn trường sẵn mở,

      Bắt người chồng giũ nợ, xuôi tay,

          Vợ già bệnh hoạn nằm đây,

Biết ai chăm sóc từ nay đêm ngày.

 

      Khi công việc ma chay vừa ổn,

      Đời bắt đầu phiền muộn đớn đau.

          Bầy con lo tị nạnh nhau,

Đứa nào cũng muốn mau mau chạy làng.

 

      Chúng viện đủ trăm ngàn lý lẽ,

      Chẳng đứa nào nhận mẹ về nuôi,

          Om sòm cãi vã lôi thôi,

Cuối cùng đem mẹ bỏ nơi nhà già.

 

      Rồi nại cớ đường xa lối rẽ,

      Chúng họa hoằn mới ghé lại thăm.

          Nhưng mà chỉ được ít năm,

Thế rồi chim cá bóng tăm khuất dần.

 

      Giáng Sinh đã xoay vần mấy bận,

      Lũ con rày ở tận nơi nao,

          Mà sao vắng bặt âm hao,

Buồn vui sống chết thế nào chẳng hay.

 

      Càng nhớ đến tháng ngày đã mất,

      Càng thấy lòng chất ngất ăn năn,

          Thương chồng xưa phải trôi lăn,

Vì mình vất vả nhọc nhằn gian lao.

 

      Thầm tự trách mình sao quá quắt,

      Hết cằn nhằn lại gắt gỏng ông.

          Giờ đây bóng lẻ phòng không,

Lâm râm tạ lỗi, xin chồng thứ tha.

                            x

                        x      x

       Văng vẳng tiếng thánh ca buồn tẻ,

       Ánh mắt khờ lặng lẽ chờ mong.

           Lạnh lùng gió rít đêm đông,

Mênh mang nỗi nhớ, mênh mông bể sầu.

 

      Người buồn tủi gục đầu nuốt lệ,

      Nghĩ đến câu "một mẹ mười con", (*)

          Mà nghe lòng héo dạ hon,

Nỗi đau tưởng lắng chợt mon men về.

 

      Thâm tâm vẫn không hề oán trách

      Đám con đà bỏ lạch quên sông,

          Tấm lòng từ mẫu bao dong,

Đại dương dẫu lớn cũng không sánh tày.

 

      Người nằm đó, mặt mày co thắt,

      Nghe tứ chi lạnh ngắt dần dần,

          Thương thay, giây phút lìa trần,

Vẫn mơ con sẽ một lần ghé thăm.    `  

                  Trần Văn Lương

                    Cali, 12/2023

 

(*) Người mình có câu: Một mẹ nuôi nổi mười con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ.

Friday, November 3, 2023

Đừng Cười Tôi Nghe Nhạc "Sến"

 Dạo:

    Theo dòng nhạc "sến" ngân nga,

Ngậm ngùi nhớ đến quê nhà năm nao.

 

Cóc cuối tuần:

 

  Đừng Cười Tôi

                   Nghe Nhạc "Sến"

                          (Cho người, cho ta, cho người ta)

 

Này người hỡi, đừng mỉm cười châm biếm,

Khi nhìn tôi nghe nhạc "sến" say sưa,

Gửi hồn về những ngày tháng xa xưa,

Lúc đất nước ta chưa thành địa ngục.

 

Tôi xui xẻo, Trời không ban cho phúc

Được học hành, thành "trí thức" như ai,

Nên xin người đừng dè bỉu chê bai,

Hãy cho phép tôi dông dài giây lát.

                      x

                 x        x       

Có gì "sến" trong trăm ngàn khúc hát,

Mà từng lời bát ngát đượm tình quê,

Và từng câu luôn nhắc nhở tôi về

Một nơi chốn đà muôn bề xa cách?

 

Có gì "sến" với mối tình trong sạch

Của chàng trai đang cắp sách đến trường.

Thoáng nhìn ai mà lòng dạ vấn vương,

Giờ tan học trên đường về lẽo đẽo?

 

Có gì "sến" khi hè vừa bén nẻo,

Đám học trò buồn héo hắt chia tay,

Đứa thị thành, đứa trôi giạt chân mây,

Năm tới biết ai còn quay trở lại?

 

Có gì "sến" chuyện những người con gái,

Kẻ đưa đò, kẻ náu tại rừng sâu,

Trót yêu nên phải mang nặng khối sầu,

Chết hay sống vẫn buồn đau duyên số?

 

Có gì "sến" trong muôn vàn cảnh khổ,

Lớp nhớ về một thành phố mưa bay,

Lớp đêm dài cùng chim sắt rẽ mây,

Lớp men lối biệt ly đầy cay đắng?

 

Có gì "sến" trên sân ga quạnh vắng,

Những chiều buồn gội nắng đợi người xưa,

Nhưng qua rồi chẳng biết mấy mùa mưa,

Mà bóng dáng ai kia chưa về được?

 

Có gì "sến" khi vì lòng yêu nước

Vạn chàng trai phải cất bước lên đường,

Bỏ phố phường, gác lại chuyện yêu đương,

Sẵn sàng đổ máu xương nơi tiền tuyến?

 

Có gì "sến" khi những người lính chiến,

Phải đương đầu nguy hiểm chốn rừng sâu,

Mắt đăm đăm nhìn ánh lửa hỏa châu,

Miệng lẩm bẩm không ngừng câu đoàn tụ?

 

Có gì "sến" với người theo đội ngũ

Lội bùn dơ, lam lũ khắp chiến trường,

Nhưng đêm ngày vẫn nghĩ tới người thương

Quay quắt nhớ màu sương nơi quê cũ?

 

Có gì "sến" với cảnh người chinh phụ,

Năm canh khuya mất ngủ nhớ thương chồng,

Miệt mài ngồi đan áo ở bên song,

Cho chồng được ấm lòng khi giữ nước?

                      x

                 x        x       

Người ơi chẳng bao giờ tìm lại được,

Thời vàng son của ngày trước Bảy Lăm,

Với hàng ngàn ca khúc của Miền Nam

Mà nhựa sống còn miên man tuôn chảy.

 

Người có thấy những bài ca ngày ấy,

Lời nhiều khi không bóng bảy văn chương,

Nhưng chính là hình ảnh của quê hương,

Thuở chưa chịu cảnh đoạn trường khốn khó?

 

Quê hương đó, là nỗi buồn phượng đỏ,

Là nhịp đàn khúc tân cổ giao duyên,

Là bước chân ngoài phố lúc nửa đêm,

Là nhức nhối triền miên nơi gác trọ,

 

Là ánh mắt mãi trông chờ đầu ngõ,

Là tiếng chuông, tiếng gió, tiếng nguyện cầu,

Là cành sim tim tím chốn rừng sâu,

Là chiếc bóng cây cầu đà gãy đổ,

 

Là day dứt nhìn cơn mưa tỉnh nhỏ,

Là nỗi vui vườn Tao Ngộ cuối tuần,

Là poncho, là mưa nắng hành quân

Là hạnh phúc của những lần đi phép...

 

Dù số mệnh Miền Nam giờ đã khép,

Những bài ca, hình ảnh đẹp tuyệt vời,

Những cung sầu, những xúc cảm đầy vơi,

Những tình tự... sẽ muôn đời tồn tại.

                      x

                 x        x       

Người nếu nghĩ mình thượng lưu quý phái,

Hãy ngủ yên thoải mái giữa tháp ngà,

Mặc sức dùng kiến thức nhạc bao la

Để tán tụng những bài ca "sang cả".

 

Và nếu muốn, cứ âm thầm hể hả

Mỉa mai tôi dốt đặc chả biết gì,

Nhưng xin người hãy tạm ngoảnh mặt đi,

Hé mở chút tâm từ bi hỷ xả,

 

Cho tôi được, trong nắng chiều tơi tả,

Mắt mơ màng mà tấc dạ tái tê,

Tạm quên đi bước lữ thứ ê chề,

Nghe nhạc "sến" để nhớ về quê cũ.

                Trần Văn Lương

                  Cali, 11/2023