Thursday, March 9, 2006

Tảo Thần

aa59892b65012ebee6cd40ef

Dạo:
Trang kinh cỏ dại mọc đầy,
Con thuyền văn tự, vũng lầy tử sinh.
clip_image003
Âm Hán Việt:
Tảo Thần
Ác ác quần kê hoán tảo thần,
Mông lung tự ảnh ỷ hàn tân.
Lão ô thủy để tầm sương lộ,
Cô điệp lâm biên thám diệp phần.
Thụ thượng khẩu khai, nhân tống mệnh,
Đình tiền tiên động, mã tùy vân.
Dạ trường, tăng bội kinh thiên quyển,
Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:
Buổi Sớm Mai
Eo óc bầy gà gọi buổi sớm mai,
Mù mịt bóng ngôi chùa dựa vào bến lạnh.
Quạ già đáy nước tìm kiếm lối đi của sương,
Bướm cô độc ven rừng tìm kiếm nấm mộ của lá.
Trên cây, mở miệng, người bỏ mạng, (1)
Trước sân, cây roi động, ngựa theo mây. (2)
Đêm dài, ông tăng thuộc hết cả ngàn quyển kinh,
Mặt trời mọc, việc trên đầu cây gậy chưa phân biện được. (3,4)

Ghi chú:
(1) Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 9:
Hương Nghiêm Trí Nhàn Thiền Sư thượng đường, dạy:
- Như một người ở trên cây, miệng cắn chặt cành cây, chân không đạp lên cây, tay không nắm cành cây. Chợt dưới cây có người hỏi : "Ý của Tổ sư từ Tây qua là gì?" Nếu không đáp thì phụ lòng người hỏi, nếu mở miệng đáp thì sẽ rơi mất mạng. Lúc đó thì phải làm thế nào mới được?
Có Hổ Đầu Chiêu Thượng tọa từ đại chúng bước ra nói:
- Không hỏi chuyện trên cây. Lúc còn ở dưới cây thỉnh Hoà thượng nói một câu.
Sư bèn cười ha hả.
(2) Bích Nham Lục, tắc 65 : Ngoại Đạo Lương Mã
Ngoại đạo hỏi Phật:
- Không hỏi hữu ngôn, không hỏi vô ngôn.
Thế tôn im lặng giây lâu. Ngoại đạo bèn tán thán:
- Thế tôn đại từ đại bi đã khai mở mây mờ cho tôi, khiến tôi có được chỗ vào.
Sau khi ngoại đạo đi rồi, A Nan hỏi Phật:
- Ngoại đạo đã chứng được cái gì mà bảo là có chỗ vào ?
Thế tôn bảo:
- Như ngựa tốt của thế gian, vừa thấy bóng roi đã chạy.
(3) Bích Nham Lục, tắc 25 : Liên Hoa Trụ Trượng
Trích phần Bình của Viên Ngộ :
... Xưa Nghiêm Dương Tôn giả trên đường gặp một ông tăng. Tôn giả giơ cây gậy hỏi:
- Là cái gì ?
Tăng đáp:
- Không biết.
Tôn giả bảo:
- Có cái gậy mà cũng không biết.
Lại dộng cái gậy xuống đất và hỏi:
- Có biết không?
Tăng thưa:
- Không biết.
Tôn giả nói:
- Cái lỗ trên đất mà cũng không biết.
Tôn giả lại vác gậy lên vai và hỏi:
- Hiểu không?
Tăng đáp:
- Không hiểu.
Tôn giả:
- Vác gậy lên vai chẳng thèm nhìn ai, muốn lên thẳng ngàn vạn đỉnh núi cao.
(4) Đại Huệ Ngữ Lục, bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Duy Lực, trang 33:
(Đại Huệ Tông Cảo Thiền) Sư ở trong thất, thường giơ cây gậy lên và hỏi chư tăng:
- Gọi là cây gậy thì nghịch, chẳng gọi là cây gậy thì trái, không cho nói, không cho nín, không được ở nơi ý căn suy lường, không được cho là vô sự, không được theo lời thầy thừa đương (lãnh nhận), không được im lặng giây lâu, không được lễ bái như người nữ, không được dạo quanh thiền sàng, không được quay đầu bỏ đi. Tất cả đều không được. Nói mau đi! Nói mau đi!
Có tăng muốn nói, Sư liền đánh đập đuổi ra.

Phỏng dịch thơ:

Sớm Mai

Eo óc gà đêm gọi nắng mai,
Bóng chùa bến lạnh ngủ mềm vai.
Quạ già đáy nước tìm sương cũ,
Bướm lẻ ven rừng khóc lá phai.
Nói đạo, người về nơi chín suối,
Nhìn roi, ngựa khuất nẻo thiên nhai.
Đêm dài, tăng tụng kinh ngàn quyển,
Một khúc sông mê vẫn miệt mài.

Cali, 3/2006

Lời bàn bố lếu của Phi Dã Thiền Sư:
Mới hay sự việc không nằm trong ngôn ngữ. Nếu chỉ dựa trên ngôn ngữ thì Kinh Luật Luận đã đủ, Tổ Đạt Ma cần gì phải lặn lội từ Tây sang để tạo nên bao nhiêu là rắc rối.
Hỡi ơi, nói cũng không được, nín cũng không được! Hữu ngôn cũng không, vô ngôn cũng không!
Đến chỗ này rồi thì lão tăng biết làm sao đây? Đá bay, cát chạy.
Hừm, hãy nhìn cây gậy!

No comments:

Post a Comment