Thursday, September 8, 2005

Thanh San

Dạo:
Mịt mù khói phủ non cao,
Trẻ thơ lắm bận lao đao đi tìm.
clip_image003
Âm Hán Việt:
Thanh San
Nhật quá Quỷ Môn Quan,
Cao cương nhất sắc lam.
Phong xuy, thu nguyệt ám,
Điểu khấp, khách tâm hàn.
Khê thủy tồn nhân ảnh,
Trúc thanh chấn Phật am.
Tiểu hài mi phát bạch,
Kỷ độ mịch thanh san.
Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:
Núi Xanh
Mặt trời đã đi quá cửa Địa ngục,
Sườn núi cao toàn một màu xanh lam.
Gió thổi làm trăng thu mờ,
Chim kêu làm tim khách lạnh.
Nước khe còn giữ lại hình bóng người, (1)
Tiếng động của cây tre làm rung động am Phật. (2)
Trẻ sơ sinh lông mày và tóc bạc trắng,
Đã bao lần đi tìm kiếm núi xanh.

Ghi chú:
(1) Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 13:
Động Sơn Lương Giới Thiền Sư (*) theo học với Vân Nham một thời gian. Tuy đã phần nào giác ngộ, nhưng vẫn còn ít hồ nghi.
Một ngày kia, Sư đi qua dòng nước, chợt thấy bóng mình trong nước mà hoát nhiên đại ngộ. Sư bèn làm bài kệ:
Thiết kỵ tùng tha mịch,
Điều điều dữ ngã sơ.
Ngã kim độc tự vãng,
Xứ xứ đắc phùng cừ.
Cừ kim chính thị ngã,
Ngã kim bất thị cừ.
Ưng tu nhậm ma hội,
Phương đắc khế như như.
Nghĩa:
Cần nhất là không tìm ở nơi khác,
Tất cả đều xa xôi, không thân thuộc với mình.
Ta bây giờ tự mình tới lui,
Chỗ nào cũng gặp hắn.
Hắn bây giờ chính là ta,
Ta bây giờ không phải hắn.
Phải cần hiểu như thế,
Mới được khế hợp với Đạo.
(*) Động Sơn cùng với đệ tử nối pháp Tào Sơn Bổn Tịch là Tổ khai sáng của dòng Thiền Tào Động.

(2) D.T. Suzuki, Thiền Luận, quyển Thượng , bản dịch của Trúc Thiên:
Hương Nghiêm Trí Nhàn, sau khi thầy là Bách Trượng viên tịch, theo học với Đại Sư Huynh là Qui Sơn Linh Hựu. Qui Sơn hỏi:
- Lúc cha mẹ chưa sinh ra, thử nói một câu xem sao.
Sư mờ mịt, tra cứu các kinh điển cũng không tìm được câu giải đáp. Sư hỏi Qui Sơn, Qui Sơn không chịu trả lời, bảo rằng Sư phải tự mình hiểu lấy. Sư buồn phiền, từ giã Qui Sơn, đến Nam Dương cất một cái am cạnh mộ của Trung Quốc Sư để sống qua ngày.
Một hôm lúc Sư đang quét lá ngoài sân, một hòn sỏi văng trúng gốc tre phát ra tiếng. Sư nghe được và bỗng đại ngộ, bèn tắm gội, thắp nhang hướng về Qui Sơn lạy tạ.

Phỏng dịch thơ:

Núi Xanh
Mặt trời đã khuất ngàn dâu,
Mênh mông Ngũ Nhạc một màu xanh lam.
Gió đùa trăng úa dung nhan,
Con tim lữ khách miên man lối sầu.
Ảnh còn đáy nước, người đâu?
Bờ tre sỏi đá vang câu nhiệm mầu.
Trẻ thơ tuyết trắng phau đầu,
Non xanh tìm dấu, dãi dầu đòi phen.

Cali, 9/2005


Lời bàn bố lếu của Phi Dã Thiền Sư:
Trẻ sơ sinh mà râu tóc đã bạc trắng rồi ư? Gã họ Trần điên đảo đảo điên!
Ơ hay, tại sao tóc trắng núi xanh mà không phải là tóc xanh núi trắng? Than ôi, có phải chăng nhất niệm là vạn niên và vạn niên là nhất niệm? (**).
Hãy nhìn, núi xanh sờ sờ trước mắt mà cứ tìm ở đâu đâu!
Hỡi ơi!
(**) "Nhất niệm vạn niên" (一念萬年) trong Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán (三祖僧璨)

No comments:

Post a Comment