Dạo:
Cuối tuần đội đá qua cầu,
Ngờ đâu cầu gãy, lao đầu xuống sông.
Bão thạch độ giang
Âm Hán Việt:
Giang biên ti khởi liễu yêu yêu,
Bão thạch ngư ông thượng mộc kiều.
Chích ảnh đối thanh liêu tịch chiếu,
Tàn huy tầm bích lãng đồng khiêu.
Y tàng bảo ngọc, thân hoàn khổ,
Thủ chấp hư không, nghiệp vị tiêu.
Kiều chiết, thạch tùy nhân lạc thủy,
Nhân trầm đáo để, thạch khinh phiêu.
Nghĩa:
Ôm đá qua sông
Trên bờ sông, gió mát nổi lên, cây liễu xinh tươi đẹp đẽ,
Ông lão đánh cá ôm tảng đá bước lên chiếc cầu gỗ.
Chiếc bóng cô đơn đối diện khoảng trời xanh lặng lẽ soi,
Nắng tàn tìm sóng biếc để cùng nhảy múa.
Trong áo dấu ngọc quý, thân vẫn còn khổ, (1)
Tay nắm hư không, nghiệp chưa hết. (2)
Cầu gãy, đá theo người rớt xuống nước,
Người chìm tận đáy, đá vẫn nhẹ nhàng nổi.
Chú thích:
(1) Kinh Pháp Hoa, phẩm 8: Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký
(Thích Trí Tịnh, Kinh Pháp Hoa, Phật Học Viện Quốc Tế, xuất bản, 1997, trang 303-304):
Có người đến nhà bạn thân, say rượu quá mà nằm ngủ. Lúc đó, người bạn thân có việc quan phải đi, lấy châu báu vô giá cột trong áo gã say, cho nó rồi đi. Gã đó say mèm đều không hay biết, sau khi dậy bèn dạo đi đến nước khác. Vì việc ăn mặc mà phải gắng sức cầu tìm rất là khổ nhọc, nếu có được chút ít bèn cho là đủ.
Lúc sau người bạn thân gặp lại gã, thấy gã bèn bảo:
"Lạ thay! Anh này sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Ta lúc trước muốn cho anh được an vui tha hồ thọ năm món dục, ở ngày tháng năm đó, đem châu báu vô giá cột vào trong áo anh, nay vẫn còn đó sao anh không biết, lại đi nhọc nhằn sầu khổ để cầu tự nuôi sống, thật là khờ lắm! Nay anh nên đem ngọc báu đó đổi chác lấy đồ cần dùng thì thường được vừa ý không chỗ thiếu thốn"...
(2) Công Án Phật Thích Ca (Thích Duy Lực, Công Án Phật Thích Ca và Tổ Đạt Ma, tủ sách Tổ Sư Thiền. 1993 trang 9):
Thế Tôn thăng tòa. Có một Phạm Chí tay bưng hoa tới cúng dường. Phật bảo:
- Buông xuống đi.
Phạm Chí buông hoa trên tay trái xuống.
- Buông xuống đi. Phật bảo tiếp.
Phạm Chí buông hoa bên tay mặt xuống. Phật lại bảo:
- Buông xuống đi.
Phạm Chí không khỏi ngạc nhiên, nên hỏi:
- Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật lại bảo con buông xuống? Con còn cái gì nữa để mà buông?
Phật nói:
- Ta chẳng bảo ngươi buông bỏ hoa. Ngươi phải buông: ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời phải xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là chỗ buông thân mạng của ngươi.
Phạm Chí ngay đó ngộ vô sanh nhẫn.
Dịch thơ:
Ôm đá qua sông
Gió thoảng ven sông, liễu thắm mầu,
Ngư ông ôm phiến đá qua cầu.
Trời xanh tịch mịch, thân tìm bóng,
Sóng biếc lao xao, nắng nhuộm đầu.
Ngọc báu nào hay, đời mãi khổ,
Tay không chẳng bỏ, nghiệp còn lâu.
Nhịp cầu gãy đổ, dòng sông cuốn,
Đá nổi, người chìm đáy nước sâu
Lời bàn "Vô vị" của Phi Dã Thiền Sư:
Đá nổi người chìm ư?
Sao lại như thế này nhỉ?
Than ôi! Chỉ vì:
Đá vô tâm, đá nổi;
Người hữu ý, người chìm.
Nhưng nổi tốt hay chìm tốt?
Giữ tốt, hay buông tốt?
Làm thế nào để không buông mà cũng chẳng giữ?
Làm sao để không chìm không nổi được đây?
Hỡi ơi! Cái lão hủ nho họ Trần này thật là lắm chuyện!
Trần Văn Lương
No comments:
Post a Comment