Thursday, October 25, 2001

Thụ ấm

Nhạc dạo:
Cuối tuần cóc lại mò ra,
Gầm gừ mấy tiếng cho bà con vui .


Âm Hán Việt:

Thụ ấm

Hạ nhật viêm quang chích thảo trường ,
Ngô đồng ấm hạ vĩnh thanh lương.
Thanh chi lẫm lẫm đình hung thử,
Bích diệp thê thê ngự lãnh sương.
Bàng Uẩn tuyết hoa vô lạc xứ,
Triệu Châu bách thụ một phàn phương.
Hỏa tai kiếp khởi ngô đồng hoại,
Kỳ ấm hãn nhiên ngạo thái dương .

Trần Văn Lương

Nghĩa:

Bóng cây
Ánh sáng nóng của mặt trời mùa hạ (đang) nướng cánh đồng cỏ,
(Nhưng) dưới bóng cây ngô đồng luôn luôn mát mẻ.
Cành xanh oai phong chận đứng nắng dữ lại,
Lá biếc tốt tươi ngăn sương lạnh.
Những bông tuyết của Bàng Uẩn không có chỗ để rơi, (1)
Cây bách của Triệu Châu chẳng có nơi bám vịn . (2)
Hoả kiếp nổi lên, cây ngô đồng bị hoại (cháy mất) (3)
(Nhưng) cái bóng của nó vẫn ngang nhiên (tồn tại) ngạo nghễ với mặt trời.


Chú thích:

(1) Công án (Bích Nham Lục, tắc 42)

Bàng Cư sĩ ( Bàng Uẩn là tục gia đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất và là một trong 84 người đắc pháp từ Mã Tổ) từ giã Dược Sơn. Dược Sơn sai 10 thiền khách đưa chân. Bàng Cư sĩ chỉ tuyết trên không nói:
- Từng phiến tuyết đẹp không rơi chỗ khác.
Có thiền khách tên Toàn nói:
- Rơi chỗ nào ?
Bàng Cư sĩ bèn đánh cho một bạt tai . Thiền khách Toàn
nói:
- Cư sĩ không nên thô lỗ thế.
Bàng Cư sĩ nói:
- Làm sao ông tự xưng là thiền khách được, Diêm Vương chưa có tha ông đâu.
Thiền khách Toàn:
- Còn Cư sĩ thì sao ?
Bàng Cư sĩ bèn đánh cho thêm một bạt tai và nói:
- Mắt thấy mà như mù, miệng nói mà như câm.


(2) Công án (Vô Môn Quan, tắc 37)

Có ông tăng hỏi Triệu Châu Tùng Thẩm Thiền Sư:
- Ý của Tổ sư từ phương Tây sang là gì ? (Như hà thị Tổ sư Tây lai ý ?).
Triệu Châu đáp:
- Cây bách trước sân. (Đình tiền bách thụ tử ).

Câu trả lời thật kỳ đặc, cắt đứt hết mọi tư duy nghĩ ngợi, không có chỗ cho mọi người bám víu. Đây là một công án rất nổi tiếng, ngang hàng với công án chữ "Vô".

(3) Công án (Bích Nham Lục, tắc 29)

Có ông tăng hỏi Đại Tuỳ Pháp Chân Thiền Sư:
- Khi hỏa kiếp khởi, đại thiên đều hoại. Chẳng biết cái này có bị hoại không?
Đại Tùy : - Hoại.
Ông tăng: - Vậy thì cứ theo cái đó mà đi ?
Đại Tùy : - Cứ theo cái đó mà đi.
Ông tăng không hiểu, tìm đến Thứ Châu Đầu Tử Sơn tham kiến Đầu Tử Đại Đồng Thiền Sư.
Đầu Tử hỏi : - Ông từ đâu đến ?
Ông tăng đáp : - Tây Thục Đại Tùy .
Đầu Tử hỏi : - Đại Tùy có nói gì không ?
Ông tăng thuật lại chuyện trên. Đầu Tử bèn thắp hương lễ lạy và nói:
- Tây Thục có cổ Phật xuất thế, ông mau trở về thôi .

Ông tăng quay trở về lại chỗ Đại Tùy, nhưng Đại Tùy lúc đó đã thiên hóa .
Cảm cảnh này, có vị tăng đời Đường tên là Cảnh Tôn vịnh như sau (bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Mãn Giác):
Rõ ràng không biết pháp,
Ai bảo ấn Nam Năng . (Lục tổ Huệ Năng của Nam tông)
Một câu "giống cái khác",
Khiến tăng chạy ngàn núi .
Dế lạnh gáy trong lá,
Ma đêm lạy đèn Phật.
Ngâm nga ngoài cửa lẻ,
Bồi hồi hận khôn nguôi .


Phỏng dịch thơ (nguyên thể):

Bóng cây
Nắng hạ nung cây cỏ tả tơi,
Ngô đồng riêng tỏa mát che người .
Sum suê lá biếc ngăn sương lạnh,
Lẫm liệt cành xanh chận nắng tươi .
Tùng bách Triệu Châu không chỗ vịn,
Tuyết băng Bàng Uẩn chẳng nơi rơi .
Một cơn lửa cháy, cây tàn rụi,
Bóng mát còn nguyên cợt với trời .


Lời bàn lếu của Phi Dã Thiền Sư:
Than ôi, làm thiện mà vẫn còn để lại quả báo .
Thân cây đã hoại diệt mà bóng cây còn tồn tại .
Thế thì hoại là tốt hay không hoại là tốt?
Hỡi ơi, đến chỗ này thì lão tăng mù tịt, chẳng còn hiểu gì sất...
Hừm ! Cũng may mà không hiểu, nếu hiểu thì đã sa vào địa ngục nhanh như tên bắn.

No comments:

Post a Comment