Tháng 3 na(m 2004, cộng đồng VN hải ngoại xôn xao và đau lòng về việc một số phụ nữ VN bị rao bán đấu giá trên Ebay. Việc này gợi tôi nhớ lại cách đây không lâu, trong một dịp tình cờ, đã được xem một cuốn băng của Trung Tâm Asia nói về các cô gái Việt nam, vì hoàn cảnh gia đình nghèo đói, đã phải hy sinh “lấy chồng” ngoại quốc (hầu hết là Tàu) để đổi lấy một chút vốn nhỏ nhoi cho gia đình có phương tiện sinh sống. Tuy mang tiếng là “lấy chồng”, nhưng trên thực tế phải nói là đi làm nô lệ thì đúng hơn. Trong số những cô gái bất hạnh đó, vài người lại còn kém may mắn hơn nữa. Họ bị đem đi tận Tân Cương để làm nô lệ tình dục, không phải chỉ cho một người, mà là cho cả một số đông, vì tình trạng thiếu đàn bà ở những nơi xa xôi hẻo lánh đó. Không cần nói cũng biết số phận những cô gái này thê thảm đến chừng nào.
Chưa bao giờ dân Việt mình gặp nhiều thảm trạng bi thương như dưới chế độ Cộng sản bây giờ. (Một chuyện đau lòng khác còn kinh khủng hơn và làm rúng động lương tâm thế giới là chuyện các bé gái VN tuổi từ 5 đến 11 bị bán sang Căm Bốt để làm nghề mại dâm. Hỡi ơi!). Những việc làm phi nhân này chắc chắn có sự đồng ý, nếu không muốn nói là đồng lõa tiếp tay hay dự mưu của các tai to mặt lớn trong chính quyền Việt cộng.
“Đêm Tân Cương” khóc thương số phận của một người con gái Việt bất hạnh đang đem thân xác mình trả nợ ở Tân Cương, và cũng là tiếng khóc than cho nỗi thống khổ chung của một dân tộc bị đọa đày.
Đêm Tân Cương
Mây chiều đỏ rực Thiên San,
Buồn khô đất Rợ, sầu khan mây Tần.
Chuẩn Cát Nhĩ trời rực lên màu máu,
Mây Thiên San che khuất dấu đường quê,
Khói Côn Luân nghi ngút tỏa lối về,
Gió Tháp Khắc tái tê lòng biệt xứ.
Bơ phờ người thiếu nữ,
Sau cơn mưa dữ dập dồn,
Nhìn xác thân nhơ nhớp, dạ buồn nôn,
Nỗi thống khổ vắt hồn ra nước mắt.
Tay lấm bụi vụng về lem luốc mặt,
Tiễn gió về Nam, quặn thắt tim gan,
Quê hương cách vạn quan san,
Một bước lỡ, ngàn năm ôm hận.
Dập vùi theo số phận,
Từ khi chấp nhận đưa chân,
Nhắm mắt liều đánh đổi xác thân,
Cho cha mẹ bớt đôi phần túng quẫn.
Tưởng được cảnh vợ chồng êm ấm,
Ngờ đâu là vực thẳm đắng cay.
Thân bơ vơ trôi giạt đến nơi đây,
Làm nô lệ cho một bầy dã thú.
Cành xuân vừa hé nụ,
Giông gió phũ phàng rơi,
Thân xác sớm tả tơi,
Giấc mơ đời tan vỡ.
Thời gian như thoa mỡ,
Đôi vai gầy, bóng đổ xiêu xiêu,
Nhạt nhòa trên cát đá quạnh hiu,
Nghe thương nhớ chín chiều trong tâm khảm.
x
x x
Nhớ tha thiết xóm tranh nghèo ảm đạm,
Đám trai làng làn da sạm nắng mưa.
Nhớ đường quê xanh ngắt bóng cây dừa,
Nhịp cầu khỉ đong đưa từng bước nhỏ.
Nhớ câu vọng cổ,
Buồn như lá đổ chiều đông,
Nhớ giọng hò đàn gái trẻ bên sông,
Ngày ngày gửi nỗi lòng theo sóng nước.
Nhớ khuôn mặt gầy thiếu ăn xanh lướt,
Của đàn em khi đứng trước nồi cơm.
Gạo trộn khoai không trọn một vòng đơm,
Thương cha mẹ quanh năm thường nhịn đói.
Trời cao hỡi, con làm chi nên tội,
Để giờ đây chịu lắm nỗi nhục nhằn,
Một mình nơi miền đất Rợ xa xăm,
Đêm ngày phải đớn đau nằm trả nợ.
Chốn quê cũ, quây quần bên bếp lửa,
Mẹ cha còn nhớ tới đứa con xa,
Và đàn em, với ngày tháng phôi pha,
Còn nghĩ đến người chị đà xa cách?
Dù thân xác như một nùi giẻ rách,
Con không hề buồn oán trách mẹ cha.
Chỉ luôn luôn khấn nguyện với trời xa,
Cho cha mẹ trong tuổi già bớt khổ.
Chàng trai cũ, lời thương chưa dám ngỏ,
Biết giờ đây có tỏ lối nhà ai,
Hay đêm đêm trông tiếng trống miệt mài,
Mà nuối tiếc những tháng ngày qua vội.
Đường xa quá, trăng kia còn nhớ lối,
Hãy làm ơn tối tối ghé quê nhà,
Nhắn giùm lời thăm hỏi đến mẹ cha,
Đến người đó câu xót xa tạ lỗi.
Rồi mai mốt, từng đứa con vô tội
Sẽ ra đời, tiếp nối kiếp khổ đau.
Dòng máu hoang, lòng mẹ biết nói sao,
Khi con hỏi kẻ nào là cha chúng?
Người thiếu nữ, tay đặt hờ lên bụng,
Mắt lờ đờ nhìn khoảng trống lặng câm.
Đôi tay gầy vùng xiết mạnh vào thân,
Như muốn bóp nghẹt mống mầm oan nghiệt.
x
x x
Cơn đau đớn làm xác hồn tê liệt,
Ánh mắt buồn thoáng hiện nét cuồng điên.
Mong manh giọt ngọc Hòa Điền,
Chầm chậm rớt, thấm mềm manh áo trắng.
Tiếng nấc nghẹn lịm dần trong thanh vắng,
Giọng kèn Duy văng vẳng khóc thương lơi.
Mây đơn côi về chết tận cuối trời,
Đêm hắc ám như lòng người dị tộc.
Cali 3/2004
No comments:
Post a Comment