Thursday, September 23, 2010

Điểu Tích

DẠo:
Cuối tuần Cóc ngắm chim trời,
Bị niềm tâm sự rụng rơi lấm đầu.


Âm Hán Việt:

Điểu tích

Phù vân thổ nhật, vũ sơ chung,
Vạn điểu phiên phiên loạn mộ hồng.
Vũ sắc dữ tà huy quýnh quýnh,
Đề thanh hòa tích lịch long long.
Đình hoa sổ đoá thôi điềm mộng,
Dã áp thiên đầu việt tuấn phong.
Thùy vị điểu quần đô khứ tận ,
Di lưu túc tích mãn trường không.
Trần Văn Lương


Nghĩa:

Dấu chim


Mây trôi nhả mặt trời ra, mưa vừa dứt,
Hàng vạn con chim bay vùn vụt làm loạn cái cầu vồng buổi hoàng hôn.
Màu sắc của lông chim và nắng chiều cùng rực rỡ,
Tiếng chim kêu và tiếng sấm cùng vang ầm ầm.
Mấy đoá hoa trong sân thôi thúc giấc mộng ngọt ngào, (1)
Cả ngàn con vịt trời vượt qua đỉnh núi cao . (2)
Ai bảo rằng cả bầy chim bay đi mất hết,
Dấu chân chim còn để lại đầy trời . (3)

Chú thích:


(1) Công án : Nam Tuyền chỉ hoa, Bích Nham lục, tắc 40 :

Cử:

Lục Cắng đại phu nói chuyện với Nam Tuyền *. Lục bảo:
- Triệu pháp sư ** nói rằng: "Trời đất với mình cùng
gốc, vạn vật với mình cùng một thể", quả thật là kỳ quái.
Nam Tuyền chỉ vào bụi hoa trước sân, và nói với Lục đại phu:
- Người thời bây giờ thấy đám hoa này như thể là mộng vậy.


* Nam Tuyền Phổ Nguyện là pháp từ của Mã Tổ Đạo Nhất và là thầy của Triệu Châu Tùng Thẩm (Công án chữ Vô của Triệu Châu là một trong những công án nổi tiếng nhất của Thiền tông).

** Tức là Tăng Triệu, đệ tử của Cưu Ma La Thập và là tác giả của bộ Triệu Luận.

(2) Công án: Bách Trượng dã áp, Bích Nham lục, tắc 53 :

Cử :
Mã Đại Sư (Mã Tổ) đi dạo với Bách Trượng, thấy một đàn vịt trời bay qua .
Đại Sư nói:
- Cái gì vậy ?
Trượng đáp:
- Vịt trời .
Đại Sư:
- Đi về chốn nào ?
Bách Trượng:
- Bay đi mất rồi .
Đại Sư nắm đầu mũi của Bách Trượng vặn mạnh, Bách
Trượng đau quá kêu lên.
Đại Sư bảo:
- Đã bao giờ bay đi mất đâu ?
Bách Trượng bèn tỉnh ngộ

(3) Vua Lê Dụ Tông hỏi Thiền Sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715, thuộc dòng Trúc Lâm):
- Thế nào là ý của Phật ?
Sư đáp:
Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy,
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
(Nghĩa:
Nhạn bay ngang trời,
Bóng chìm đáy nước lạnh,
Nhạn không có ý để lại dấu,
Nước không có tâm giữ lại bóng.)

Dịch thơ:

Dấu chim

Mống vàng xua đuổi bước mưa giông,
Chim chóc lượn bay loạn nắng hồng.
Màu cánh pha màu chiều rực rỡ,
Tiếng ca lẫn tiếng sấm mông lung.
Vin cành cây kiểng, tâm si mộng,
Dõi cánh nhạn trời, dạ nhớ mong.
Ai bảo rằng chim bay mất hút,
Dấu chân còn đậm giữa thinh không.


Lời bàn thiếu muối của Phi Dã Thiền Sư:

Lão tăng lẩm cẩm tự hỏi: Bầy chim bay đi mất mà dấu chân còn để lại , hay là bầy chim còn ở lại mà dấu chân đã đi mất ?
Làm sao người lại thấy được dấu chân chim trên trời nhỉ ? Thế thì tâm chim động hay tâm người động ?
Hỡi ơi, đến chỗ điền địa này thì các nạp tăng còn có chỗ nào để bám víu được đây ? May thay còn có cái mũi của Bách Trượng.

No comments:

Post a Comment