Tuesday, February 12, 2008

Chị Về Em Ở Lại

Dẫn:
Ghi lại những cảm xúc sau khi đọc bài "Tết Này Em Không Về" của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy viết cho Luật sư Lê thị Công Nhân nhân dịp Tết Mậu Tý.

Dạo:
Hiên ngang đứng giữa hang hùm,
Giống nòi Trưng Triệu, gông cùm sá chi.

Chị Về Em Ở Lại

(Đôi dòng thô thiển xin được mạo muội chia sẻ cùng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Luật sư Lê thị Công Nhân và những nhà đấu tranh anh dũng đang chịu bắt bớ giam cầm tại Việt nam vì lý tưởng Tự do, Nhân quyền và Dân chủ)

Đêm giãy giụa, khung trời đen nứt rạn,
Người nữ tù mãn hạn, bước phân vân,
Nỗi buồn đau đục khoét vết chân trần,
Tia mắt ướt ngại ngần soi bóng tối.



Về chốn cũ, sau tháng ngày tù tội,
Lòng nghẹn ngào luôn nhớ tới người em,
Đang đọa đày trong địa ngục tối đen,
Vì Công lý, vì Nhân quyền, Dân chủ.

Em thương mến, chị mừng vui mất ngủ,
Những lần nghe bạn tù cũ, người quen,
Kính trọng và cất tiếng ngợi khen em
Luôn dũng cảm trước bầy kên hung dữ.

Dù vắng mặt những ngày em bị xử,
Nhưng hiểu ngầm qua ngôn ngữ nhà giam,
Chị hình dung được vạn nỗi gian nan
Em gặp phải trong "Thiên đàng" Cộng sản.

Nhớ năm trước, em giờ này mạnh dạn,
Đi viếng thăm những bè bạn cùng thuyền.
Nhưng Xuân này, chính em chịu oan khiên,
Vai trĩu nặng dưới xích xiềng nghiệt ngã.

Em băng khiết giữa sình lầy cặn bã,
Em kiên trinh, không hèn hạ theo đời,
Em khước từ vâng phục lũ đười ươi,
Nên bị chúng đày tả tơi, tơi tả.

Em san sẻ cho người đang lạnh giá,
Chúng đem em ra hành hạ đắng cay.
Chỉ dưới chế độ này,
Lòng nhân ái bị thẳng tay trừng phạt.

Nhưng bạo lực không làm em nhút nhát,
Giữa gông cùm, ngọc nát vẫn thanh cao,
Chốn bùn nhơ, hương sen vẫn ngạt ngào,
Trong giông tố, ánh sao trời vẫn chiếu.

Chị thao thức nhiều đêm, không thể hiểu,
Lũ bạo quyền với ba triệu đảng viên,
Lại căm thù, sợ hãi đến cuồng điên,
Người thiếu nữ tay mềm không tấc sắt.

                                           Luật sư Lê thị Công Nhân

Em thương mến, hãy hiên ngang ngẩng mặt
Vì mọi người đang ngước mắt nhìn em.
Từ vực thẳm tối đen,
Họ trông đợi một ánh đèn dẫn lối.

Cả dân mình tù tội,
Nào chỉ mỗi em thôi.
Vận nước mình còn cay cực nổi trôi,
Khi lũ thú mặt người còn thống trị.

Thân tu sĩ cũng vướng vòng lao lý,
Áo học sinh cũng sớm bị dày vò,
Vì hai chữ Tự do,
Mà gánh chịu kiếp trâu bò đày ải.

Tám mươi triệu dân lành đang ngắc ngoải,
Trong khi bầy vô lại sống giàu sang,
Tiền trong tay, chúng vung vít ngang tàng,
Xem nhân phẩm như món hàng mua bán.

Mấy mươi năm đại hạn,
Mẹ Việt nam đã khổ nạn muôn phần,
Thân thiếu ăn vẫn sớm tối tảo tần,
Vì con cái, không một lần tiếc hối.

Em có biết, mẹ bao phen lặn lội,
Tay ôm quà, thân gội nắng dầm sương,
Nhưng chúng ngăn, không cho gặp người thương,
Đành lủi thủi lên đường quay trở lại.

Tết đã đến, em một mình trong trại,
Đất, trời, người đều ái ngại thương em,
Mùa Xuân kia thẹn mặt chẳng qua rèm,
Cành mai muộn vẫn hom hem chờ mãi.

Xưa sát cánh bên em, dù khổ ải,
Chị ấm lòng, cùng hăng hái xông pha.
Nay ngục tù đã ngăn cách chúng ta,
Nhìn đêm xuống, chị xót xa quằn quại.

Chị về, em ở lại,
Nỗi đau này mãi mãi chẳng phôi pha.
Tết năm nay, em chẳng được về nhà,
Mẹ thương nhớ, giọt lệ già tuôn vỡ.

Chị mong ước, sang năm, khi đào nở,
Dân tộc mình sẽ được thơ? Tự do,
Ba ngày Xuân, già trẻ được ấm no,
Chị em sẽ cùng nhau lo đón Tết.

Người thiếu phụ bước chân buồn mỏi mệt,
Mắt quầng thâm tha thiết ngước nhìn trời,
Trên mi gầy, hờ hững hạt sương rơi,
Bên tai vẳng dăm tiếng cười cay nghiệt.

Đêm đen kịt như mảnh đời dân Việt,
Gió cuối đường ly biệt khóc thương nhau.
Giữa rừng mây đang vật vã trên cao,
Lặng le lói một vì sao cô độc.

Cali, 2/2008

No comments:

Post a Comment