Friday, April 15, 2005

Những Nấm Mộ Không Tên

Dẫn:
Kính gửi đến quý vị trưởng thượng và quý anh chị những cảm xúc được ghi lại khi nghe và đọc bài tường trình của phóng viên Đinh Quang Anh Thái (Little Saigon Radio và tuần báo Việt Tide) cũng như được xem những hình ảnh về chuyến trở lại thăm các trại tị nạn cũ ở Mã Lai và Nam Dương của một phái đoàn VN gồm khoảng 150 người đến từ nhiều quốc gia, nhân dịp đánh dấu 30 năm miền Nam rơi vào tay Việt Cộng.

Cùng với Biển Đông (là mồ chôn tập thể lớn nhất), các nghĩa trang rải rác trong tỉnh Terengganu (Mã Lai) cũng như trong các trại Bidong, Galang ... đã đón nhận thân xác của rất nhiều người tị nạn bất hạnh. Trong số đó, có những người qua đời sau khi đã đến được nơi tạm trú và đang đợi đi định cư, và có những người khác kém may mắn hơn đã chết ngoài biển và xác được vớt hay bị sóng đánh tắp vào bờ. Có nhiều ngôi mộ vô danh (cá nhân hay tập thể) mà trên bia mộ chỉ vỏn vẹn ghi ngày tử nạn và số của con tàu mà thôi. Có lẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được tên tuổi của những đồng bào xấu số đó, những người đã quyết đánh đổi sinh mạng để trốn chạy chế độ Cộng sản với niềm hy vọng sẽ được thở một chút không khí tự do.

Những Nấm Mộ Không Tên

( Kính dâng anh linh những đồng bào
đã bỏ mình trên đường tìm tự do)

Đêm ốm yếu, đục ngà như váng sữa,
Rừng Bidong không đốm lửa ấm lòng,
Ngọn dừa già thao thức ngóng Biển Đông,
Xác tàu sắt phập phồng sau kẽ lá.


Đồi Tôn Giáo, nóc nhà xưa tơi tả,
Vách tường xiêu, Thánh giá nghẹn cơn sầu.
Chùa Từ Bi, tượng Phật cũ mất đầu,
Đài tưởng niệm dãi dầu ngâm gió lạnh.

Đất chôn nhờ hiu quạnh,
Màu bất hạnh âm u.
Trời Terengganu,
Mịt mù mây ly biệt.

Ngậm ngùi thân xác Việt,
Dập vùi trong khắc nghiệt lãng quên.
Những nấm mộ không tên,
Lặng lẽ thu mình bên cỏ dại .
x

x x

Đây có phải mộ phần người con gái,
Tàu không may gặp hải tặc Thái Lan,
Đành can trường chịu ngọc nát vàng tan,
Thân liễu yếu gửi theo làn cuồng nộ ;

Hay là mộ người đàn bà khốn khổ,
Khi hay chồng đã chết rũ rừng sâu,
Cắn răng rời miền quê cũ thương đau,
Mang con nhỏ đánh liều trao số phận.

Đó phải mộ người mẹ già lận đận,
Đời tang thương trải mấy bận long đong,
Đứa con tù "cải tạo" mới chôn xong,
Đã đeo cháu trên lưng còng vượt biển;

Hay là mộ chàng trai chưa biết diện,
Không muốn mình đi chiến địa Cao Miên,
Giết người cho một chủ nghĩa cuồng điên,
Nên chấp nhận xuôi theo triền sóng bạc.

Kia phải mộ đứa bé còn ngơ ngác,
Điểm hẹn khuya tan tác lạc người thân,
Đành hoang mang theo kẻ lạ đưa chân,
Cùng gánh chịu chung số phần oan trái;

Hay là mộ của người tù trốn trại,
Một ra đi, bỏ lại vợ, con thơ,
Đất tự do chưa thấy được bến bờ,
Xương trắng đã vật vờ trên bãi cạn.

Quanh mảnh vụn xác con tàu gặp nạn,
Cỏ hao gầy, đá sạn cũng ủ ê ,
Thương cho người tức tưởi chết xa quê,
Nương dâu cũ, ngõ về đà mất lối .

Người nằm đó có bao giờ tiếc hối,
Vì tự do, đã đánh đổi cuộc đời,
Đã cam lòng chịu lá rụng hoa rơi,
Nhắm mắt vượt trùng khơi tìm lẽ sống.

Đời vẫn bảo: màu xanh, màu hy vọng,
Nhưng đêm đen, giữa con sóng chập chùng,
Trong tận cùng đáy biển cả mông lung,
Chỉ thấy một màu hãi hùng tang tóc.

Phút giây cuối cuộc hành trình đơn độc,
Người có còn đỏ lệ khóc quê hương,
Có nhớ về bóng dáng của người thương,
Đang lây lất chốn đoạn trường thống khổ.

Mờ mờ vết chân thiên cổ,
Nghĩa trang buồn, con sóng vỗ từng đêm.
Mộ không tên, người cũng mãi không tên,
Đường định mệnh khéo gập ghềnh trắc trở.

x

x x

Ngày tháng nhạt, biết mấy ai còn nhớ,
Kẻ ra đi trót lỡ bến xa bờ,
Chết âm thầm trên biển cả bơ vơ,
Mặc quê cũ ai trông chờ sớm tối .

Đất hoang lạnh đã lạ mùi nhang khói,
Trời tự do, le lói lửa âm phần.
Đêm năm canh, ai mắt dõi mây Tần,
Chốn tạm trú, ai vùi thân vĩnh viễn.

Tiếng than khóc vọng về từ đáy biển,
Bóng oan hồn còn lưu luyến lênh đênh,
Bao năm qua trong chua xót bập bềnh,
Vẫn chưa viết được tên mình lên mộ .

Trần Văn Lương
Cali, mùa Quốc Hận, 4/2005

No comments:

Post a Comment