TÌNH TỰ QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ DẤN THÂN CỦA TRẦN VĂN LƯƠNG

LÊ ĐÌNH THÔNG


Thông Reo của Nguyễn Thành Đức và Thụ Nhân Âu Châu của Thạch Lai Kim vừa trình làng trang Blog mới, tập hợp các sáng tác của Trần Văn Lương, lấy tên là Trần Văn Lương : Tuyển tập Thơ - Văn - Nhạc. Anh Kim yêu cầu tôi ‘‘viết vài hàng "cảm nhận" khi đọc thơ Trần Văn Lương’’ (thư ngày 17/9/2010).  


105 bài thơ Việt, Hán bao gồm đủ các thể loại của ta (truyện, ngâm, hát nói) và của Tàu. Mẫu số chung là một chữ tình : tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, tình Thụ Nhân, nhân tình thế thái, tình quê hương, tình hoài hương. Anh Kim bảo tôi viết vài hàng, làm sao mà nói cho hết. Chúng tôi viết riêng về tình quê hương qua những vần thơ dấn thân của Trần Văn Lương.

*****

Vào cuối tháng 4-2010, nhà thơ họ Trần làm thơ nhắn nhủ người bạn tài hoa : Hãy chụp giùm tôi. Bài thơ mới này vượt qua khuôn khổ Thụ Nhân, được phổ biến rộng rãi qua nhiều diễn đàn. Tác giả đã khơi dậy dòng văn học dấn thân từ lâu bị quên lãng.

Trong ngôn ngữ Pháp, ‘‘engagé’’ vốn có từ thế kỷ XVI, năm 1945 (năm chấm dứt chiến tranh) mang thêm ý nghĩa dấn thân. Từ ngữ này thường được chuyển ngữ là ‘‘dấn thân’’. Năm Giáp Ngọ (1894), Tú Xương viết câu đối Tết có câu : Nhập thế cục bất khả vô văn tự (入世局不可無文字). Như vậy, ‘‘dấn thân’’ cũng có thể hiểu là ‘‘nhập thế cục’’. Câu đối Tết của Tú Xương phải chăng có thể hoán vị, trở thành định lý đảo : ‘‘Văn tự bất khả ngoại thế cục’’ (文字不可外世局) ?

Hãy chụp giùm tôi gồm 80 câu thơ mới hiệp vần ôm nhau, như thể ôm ấp mối tình quê. Bố cục của bài thơ là biện chứng :
  •  mở đầu là 8 khổ thơ luận đề (thèse) : Đừng khoe tôi ;
  • tiếp nối bằng 12 khổ thơ phản đề (antithèse) : Chụp giùm tôi ;
  •  hợp đề (synthèse) là hai câu thơ kết đầy trăn trở :
Lòng người chóng nguôi ngoai,
Tháng Tư đến, có mấy ai còn nhớ !

Nhà thơ dùng nghệ thuật vị nhân sinh, lún sâu trong lịch sử, mời khách yêu thơ nghĩ suy và hành động. Đó chính là định nghĩa của thi ca dấn thân (le poète met son art au service d'une cause qui souvent s'ancre dans un contexte historique précis, il invite à la réflexion ou à l'action : on parle alors de poésie engagée). Nhà thơ nói đây là Trần Văn Lương và thi ca dấn thân là ống kính hiện thực : Hãy chụp giùm tôi.

Thi ca dấn thân đặt lại các vấn đề xã hội (problématiques sociales) chìm đắm trong quên lãng. Những kẻ khốn cùng được Trần Văn Lương nói đến trong bài thơ Hãy chụp giùm tôi năm nay (2010) tuy xa cách về không gian và thời gian với kẻ khốn cùng được nói đến trong thi phẩm Hành khất (Le mendiant) của Victor Hugo (1802-1885), nhưng đồng dạng về ý tưởng. Trần Văn Lương viết Hãy chụp giùm tôi là nhớ đến những kỷ niệm tháng Tư 1975. Le mendiant được in trong tập I nhắc lại những kỷ niệm của Victor Hugo, gom góp lại thành tập thơ Les contemplations (Những suy tư) nói nhiều về kỷ niệm, tình yêu, về nhân tình thế thái, về vui buồn, về tang tóc và huyền nhiệm.

Ta thử đối chiếu mẩu đời nửa đầy nửa đọa trong Hãy chup giùm tôi của Trần Văn Lương và kiếp sống không cửa không nhà trong Le mendiant cùa Victor Hugo. Giầu nghèo cách biệt đông tây. Trong ‘‘The Ballad of East and West’’, Rudyard Kipling có lần thở than : ‘‘Than ôi, Đông là Đông, Tây là Tây, hai phương trời cách xa thăm thẳm’’ (Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet), Ngược lại, khốn khó khiến những kẻ không cửa không nhà ở đông củng như tây cùng chung cảnh màn trời chiếu đất.

Sự khốn khó rất là nhẫn tâm, trẻ không tha, già không thương. Vần thơ họ Trần chấm phá về hình ảnh những cụ già :

Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,
Bọn đầu nậu gom ra đường hành khất,
Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,
Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân

Thi nhân họ Trần gọi những cụ già là hành khất, giống như Le mendiant của Victor Hugo. Ta hãy xem nguyên tác của Victor Hugo, sau đó là thơ tám chữ tóm lược:

Le mendiant


Un pauvre homme passait dans le givre et le vent.
Je cognai sur ma vitre ; il s'arrêta devant
Ma porte, que j'ouvris d'une façon civile.
Les ânes revenaient du marché de la ville,
Portant les paysans accroupis sur leurs bâts.
C'était le vieux qui vit dans une niche au bas
De la montée, et rêve, attendant, solitaire,
Un rayon du ciel triste, un liard de la terre,
Tendant les mains pour l'homme et les joignant pour Dieu.
Je lui criai : « Venez vous réchauffer un peu.
Comment vous nommez-vous ? » Il me dit : « Je me nomme
Le pauvre. » Je lui pris la main : « Entrez, brave homme. »
Et je lui fis donner une jatte de lait.
Le vieillard grelottait de froid ; il me parlait,
Et je lui répondais, pensif et sans l'entendre.
« Vos habits sont mouillés », dis-je, « il faut les étendre ,
Devant la cheminée. » Il s'approcha du feu.
Son manteau, tout mangé des vers, et jadis bleu,
Étalé largement sur la chaude fournaise,
Piqué de mille trous par la lueur de braise,
Couvrait l'âtre, et semblait un ciel noir étoilé.
Et, pendant qu'il séchait ce haillon désolé
D'où ruisselait la pluie et l'eau des fondrières,
Je songeais que cet homme était plein de prières,
Et je regardais, sourd à ce que nous disions,
Sa bure où je voyais des constellations.


Victor Hugo

Xin lược dịch :

Một sinh linh đọa đầy trong sương lạnh
Đứng trầm ngâm mỏi mệt trước căn nhà
Cắp cũi chó che thân già cám cảnh
Trong cô đơn hiu hắt nắng chiều tà


Cụ tên chi ? Xin mời vào nấn ná
‘‘Tôi tên là khốn khó’’ kiếp giang hồ
- Mời cụ uống bát sữa đầy lót dạ
Áo ướt rồi xin phơi lửa hong khô


Chiếc áo choàng bạc phếch rách tả tơi
Áo loang lổ là trời sao lỗ chỗ
Là ngân hà, là hằng hà sa số
Là lời kinh cơm áo nỗi đầy vơi

****

Thơ dấn thân là vần thơ nhập thế. Tác giả nhắn nhủ bạn thân hãy chụp giùm ‘‘nỗi thống khổ của triệu người dân Việt’’. Tại sao lại chụp, mà không phải là bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào khác ? Trước hết vì chụp ảnh là sao chép hiện thực một cách trung thực. Ngày nay, chụp ảnh theo kỹ thuật số lan tràn khắp nơi, phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm. Chính vì vậy, thi nhân họ Trần mới có vần thơ trách cứ : Bạn thân ơi, sao không chụp giùm tôi ? Vì mỗi cảnh đời đen bạc đếu có thể thu vào ống kinh (photographiable).

Xin mời những người ‘‘bạn thân’’, dầu chỉ qua chữ nghĩa, tuy không :

Cỏ thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh

Nhưng nhấn chuột trước trang Blog, để thưởng thức thơ, văn và nhạc hiện thực của Trần Văn Lương, do các anh Thạch Lai Kim và Nguyễn Thành Đức thực hiện, để càng thêm yêu mến một nhà thơ đa tài : Trần Văn Lương.

Paris, ngày 20 tháng 9 năm 2010
Lê Đình Thông