Kính gửi quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
Tưởng rằng tượng đất đã chìm,
Lang thang khắp nẻo kiếm tìm uổng công.
Cóc cuối tuần:
泥 像
泥 像 落 江 中,
須 臾 不 見 蹤.
薄 舟 逢 巨 浪,
炎 日 炕 憔 容.
鬼 魅 終 由 鏡,
家 珍 永 在 胸.
歸 叢 林 忽 懂,
像 總 未 離 宮.
陳 文 良
Âm Hán Việt:
Nê Tượng
Nê tượng lạc giang trung,
Tu du bất kiến tung.
Bạc chu phùng cự lãng,
Viêm nhật kháng tiều dung.
Quỷ mị chung do kính,
Gia trân vĩnh tại hung.
Quy tùng lâm hốt đổng,
Tượng tổng vị ly cung.
Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:
Tượng Bùn
Tượng bằng bùn rơi xuống sông, (1)
Phút chốc không còn thấy dấu vết.
Thuyền mỏng mảnh gặp sóng lớn,
Nắng gắt nướng cháy dung nhan tiều tụy.
Ma quỷ (có) cuối cùng là do gương, (2)
Của gia bảo vẫn luôn ở tại lòng mình. (3)
Trở về tự viện bỗng biết rõ ràng,
Tượng chưa bao giờ rời điện thờ. (4) (5)
Chú thích:
(1) Bích Nham Lục, tắc 96, Triệu Châu Chuyển Ngữ
Cử:
Triệu Châu dạy chúng 3 chuyển ngữ.
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
"Phật vàng không qua lò, Phật bùn không qua nước, Phật gỗ không qua lửa, Phật thật ở trên tòa".
Câu nói đó thật là quá luộm thuộm. Cổ nhân đưa ra một con mắt, giơ ra một cánh tay tiếp người, mượn câu chuyển ngữ để thông qua một tin tức, chỉ vì giúp người. Quý vị nếu chỉ hướng về chính lệnh mà đề lên, thì cỏ trước Thiền đường ắt cao một trượng. Tuyết Đậu hiềm câu cuối lậu đậu nên bỏ qua, chỉ tụng ba câu.
Phật bùn nếu qua nước sẽ bị rã, Phật vàng nếu qua lò sẽ bị chảy, Phật gỗ nếu qua lửa sẽ bị cháy, có gì khó hiểu đâu?
...
Bài Tụng của Tuyết Đậu:
Nê Phật bất độ thủy,
Thần Quang (*) chiếu thiên địa.
Lập tuyết như vị hưu,
Hà nhân bất điêu ngụy?
(Nghĩa:
Phật bùn không qua nước,
Ánh sáng thần (*) chiếu trời đất,
Đứng trong tuyết nếu như chưa ngưng,
Ai là người không gian dối? )
(*) Thần Quang cũng là tên cũ của Nhị Tổ Huệ Khả trước khi được Sơ Tổ Đạt Ma thu nhận.
Tuyết Đậu dẫn tích Đạt Ma an tâm cho Huệ Khả trong bài tụng này.
(2) Kinh Lăng Nghiêm, bản dịch của cư sĩ Hạnh Cơ
...
Đức Phật dạy tôn giả Phú Lâu Na:
Thầy tuy trừ được tâm nghi ngờ, nhưng vẫn còn những sai lầm chưa dứt hết. Bây giờ Như Lai lại đem những sự việc hiện tại ở thế gian để hỏi thầy. Chắc thầy có nghe, trong thành Thất-la-phiệt có anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa, vào một buổi sáng mai, lấy gương ra soi mặt, bỗng nhiên thấy thích cái đầu ở trong gương, vì có thể thấy được cả cặp mắt, lông mày. Rồi anh ta lại nổi giận, trách cứ cái đầu của mình, sao lại không thấy được mặt mày. Anh chàng cho cái đầu của mình là yêu quái, rồi không cớ gì, bỗng nhiên phát điên bỏ chạy!
Thầy nghĩ thế nào?
(3) Bích Nham Lục, bản dịch của Thiền sư Thích Mãn Giác, tắc 22: Tuyết Phong Khán Xà
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
Một hôm (Tuyết Phong) cùng đi với Nham Đầu đến gặp Khâm Sơn. Đi đến một khách điếm trên Ngao Sơn thì bị kẹt tuyết. Nham Đầu ngày nào cũng chỉ ngủ trong khi Tuyết Phong lúc nào cũng ngồi thiền.
Nham Đầu hét, "Ngủ một chút xem, ngày nào ông cũng ngồi thiền trên giường trông như thể một ngôi tượng đất.
Sau này thế nào ông cũng làm loạn hoặc con cái thiên hạ." Tuyết Phong tự chỉ vào ngực nói, "Chỗ này của tôi chưa an, tôi không dám tự lừa dối mình." Nham Đầu nói, "Tôi cứ cho là ông sau này thế nào cũng lên đỉnh cao xây thảo am mà truyền đạo lớn, chẳng dè ông lại vẫn còn ăn nói như thế." Tuyết Phong nói, "Tôi quả tình chưa an tâm thật." Nham Đầu nói, "nếu ông như thế thật, thì cứ đem hết từng kiến giải của ông ra, chỗ nào đúng tôi sẽ vì ông mà chứng minh, chỗ nào không đúng tôi sẽ trừ khử đi cho ông."
Tuyết Phong bèn thuật lại, "Lúc tôi gặp Diêm Quan thượng đường nói về ý nghĩa của sắc và không, tôi có đạt được chút hiểu biết." Nham Đầu nói, "Ba mươi năm tới đây đừng bao giờ đề cập đến chuyện này nữa."
Tuyết Phong lại nói, "Lúc nghe bài tụng qua sông của Động Sơn tôi cũng đạt được chút hiểu biết." Nham Đầu nói, "nếu thế thì ông không còn tự cứu mình được nữa." Tuyết Phong nói, "Sau này lúc đến gặp Đức Sơn tôi hỏi,
"Kẻ học này có phần gì trong việc của tông môn từ xưa đến nay không?" Đức Sơn đánh cho một gậy và nói, "Cái gì?" Lúc ấy tôi giống như thể cái thùng đen bị đập lủng đáy." Nham Đầu bèn hét và nói rằng, "Ông từng nghe nói rằng cái gì từ bên ngoài vào thì không phải là gia bảo trong nhà chứ?" Tuyết Phong nói, "Vậy thì từ rày về sau tôi phải làm như thế nào mới đúng chứ?" Nham Đầu nói "Sau này nếu ông muốn truyền bá đạo lớn, thì nhất nhất đều phải từ hung khâm ông trôi chảy ra để che kín cả trời đất cho tôi." Nghe lời nói ấy Tuyết Phong đại ngộ.
Bèn lễ lạy và huyên thuyên kêu lên, "Hôm nay tôi đắc đạo trên Ngao Sơn, hôm nay tôi đắc đạo trên Ngao Sơn."
(4) Những Đóa Hoa Thiền, bản dịch của Dương Đình Hỷ, tắc 406: Ở Trong Điện Ấy
Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là Phật?
- Ở trong điện ấy!
- Đó không phải là Phật đất sao?
- Phải.
- Thế nào là Phật?
- Ở trong điện ấy!
(Thiền Cơ)
(5) Bích Nham Lục, bản dịch của Thiền sư Thích Mãn Giác, tắc 62: Vân Môn Nhất Bảo
Cử:
Vân Môn dạy chúng rằng, bên trong trời đất, ở giữa vũ trụ, có một viên ngọc, ẩn trong núi hình. Cầm đèn giấy đi vào Phật điện, đem tam môn đến đặt trên đèn.
Trích lời Bình của Viên Ngộ
...
Thử nói xem, Vân Môn nói như vậy là ngụ ý gì? Há không nghe có bậc cổ nhân nói, “Vô minh thực tính là Phật tính, huyễn hóa không thân là Pháp Thân.” Lại nói, “Phàm tâm tức là Phật tâm.” “Núi hình” tức là tứ đại và ngũ uẩn.
“Có một viên ngọc, ẩn trong núi hình.” Cho nên mới có câu nói, “Chư Phật ở trong tâm, kẻ mê tìm bên ngoài.
Ngọc vô giá trong lòng, mà cả đời không biết.” Lại nói rằng, “Phật tính hiển hiện rõ ràng, hữu tình trụ tướng khó thấy. Nếu ngộ chúng sinh vô ngã, tính mình nào khác tính Phật? Tâm là tâm bổn lai, mặt là mặt mẹ sinh.
Đá tảng dễ di động, vật này không cải biến.”
...
Phỏng dịch thơ:
Tượng Bùn
Tượng bùn rã đáy sông,
Mới có đã hoàn không.
Sóng cả, ghe lồng chõi,
Thân tàn, nắng chói hong.
Yêu ma, đồng tại kính,
Báu vật, chính trong lòng.
Chốn cũ về trông thấy,
Tượng còn đấy trước song.
Trần Văn Lương
Cali, 12/2020
tran van luong
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
Tượng quả rớt xuống sông thật ư?
Than ôi, chúng sinh mê mờ điên đảo si mê vọng tưởng cứ hướng ngoại tìm cầu, nào hay "tức tâm tức Phật", cái đại sự nhân duyên nằm ngay trước mắt!
Chạy tới chạy lui tìm kiếm đến bao giờ mới xong? Bức tượng vẫn luôn ở nơi điện thờ chớ nào có đi đâu!
Hỡi ơi!
No comments:
Post a Comment