Friday, May 17, 2019

Lãng Đãng Du Sơn

Dạo:
    Diệu Phong, Ngũ Lão, Ngũ Đài,
Đường lên  núi ấy, mấy ai tỏ tường.
Cóc cuối tuần:

   浪 蕩 遊 山
曙 日 初 升 散 曉 嵐,
雍 容 持 錫 上 高 巖.
先 隨 芳 草 蹁 崖 路,
後 逐 落 花 復 佛 庵.
五 老 巍 巍 曾 未 到,
妙 峯 屹 屹 只 胡 談.
金 剛 窟 裏 逢 荒 寺,
一 句 三 三 使 客 慙.
                陳 文 良


Âm Hán Việt:
 Lãng Đãng Du Sơn
Thự nhật sơ thăng tán hiểu lam,
Ung dung trì tích thướng cao nham.
Tiên tùy phương thảo biên nhai lộ,
Hậu trục lạc hoa phục Phật am.
Ngũ Lão nguy nguy, tằng vị đáo,
Diệu Phong ngật ngật, chỉ hồ đàm.
Kim Cương Quật lý phùng hoang tự,
Nhất cú "tam tam" sử khách tàm.
Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:
        Lang Thang Đi Chơi Núi
Mặt trời bình minh mới mọc lên làm tan khí núi buổi sớm,
Thong thả ung dung chống gậy đi lên núi cao.
Trước theo mùi cỏ thơm bước xiên xẹo trên đường núi,
Sau đuổi theo vết hoa rụng để về lại am Phật (chùa). (1)
Ngũ Lão Phong cao vòi vọi, (tăng) chưa từng đến, ( 2)
Diệu Phong Đỉnh cao chót vót, (người) chỉ bàn bạc lung tung. (3)
Trong hang Kim Cương gặp ngôi chùa hoang,
Một câu "tam tam" (ba ba) khiến khách phải hổ thẹn (vì không hiểu). (4)

Chú thích:
(1) Bích Nham Lục, tắc 36, Trường Sa Du Sơn,
Cử:
Trường Sa một hôm đi chơi núi. Về đến cửa, thủ tòa hỏi, " Hòa thượng đi đâu về vậy?" Trường Sa nói, "Đi chơi núi." Thủ tòa nói, " Đi đến chỗ nào?" Trường Sa nói, "Trước theo mùi cỏ thơm đi, sau theo vết hoa rụng về." Thủ tòa nói, " Có vẻ rất giống ý xuân." Trường Sa nói, " Hơn cả giọt sương thu trên đóa sen." Sư (Tuyết Đậu) bình rằng, " Cám ơn đã đáp lời."
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
     Trường Sa Lộc Uyển Chiêu Hiền Đại Sư, pháp từ của Nam Tuyền, đồng thời với Triệu Châu và Tử Hồ, cơ phong mẫn tiệp. Nếu như có người hỏi về giáo pháp thì Sư sẽ giảng về giáo pháp, muốn tụng thì Sư tụng. Nếu như quý vị dùng tư cách là một tác gia để gặp Sư thì Sư sẽ gặp quý vị với tư cách là một tác gia.
    Nhân một ngày đi chơi núi về, thủ tòa là người trong chúng hội hỏi, "Hòa thượng đi đâu về vậy?" Trường Sa nói, "Đi chơi núi." Thủ tòa nói, " Đi đến chỗ nào?" Trường Sa nói, "Trước theo mùi cỏ thơm đi, sau theo vết hoa rụng về." Phải là người ngồi cắt đứt được cả mười phương thiên hạ thì mới nói thế được. Cổ nhân ra vào chưa bao giờ không lấy điều ấy làm tâm niệm. Nhìn xem họ chủ khách đổi chỗ, trực tiếp đương đầu với cơ duyên, chẳng hề nhường nhau. Biết Sư (Trường Sa) đã đi chơi núi, sao thủ tòa còn hỏi, "Hòa thượng đi đến chỗ nào?" Những người học Thiền ngày nay chắc sẽ nói, "Đi đỉnh Giáp Sơn về." Nhìn xem cổ nhân chẳng chút tơ hào so đo, cũng chẳng chấp trụ, nên mới nói, "Theo mùi cỏ thơm đi, theo vết hoa rụng về." Thủ tòa bèn nương theo ý của Sư nên nói," Có vẻ rất giống ý xuân." Trường Sa nói, "Hơn cả giọt sương trên đóa sen." Tuyết Đậu nói, "Cám ơn đã đáp thoại." Đó là lời sau cùng. Câu nói của Tuyết Đậu rơi vào hai bên, nhưng rốt cuộc chẳng rơi vào bên nào.
(2) Bích Nham Lục, tắc 34, Ngưỡng Sơn Lạc Thảo,
Cử:
     Ngưỡng Sơn hỏi tăng, "Mới rời khỏi chỗ nào?" Tăng nói, "Lô Sơn." Ngưỡng Sơn nói, "Từng đến Ngũ Lão Phong chưa?" Tăng nói, "Chưa." Ngưỡng Sơn nói, "Như thế là xà lê chưa từng đi chơi núi." Vân Môn nói, "Sở dĩ có lời nói ấy là vì từ bi, nên có lối đàm thoại của kẻ rơi vào cỏ."
(3) Bích Nham Lục, tắc 23, Bảo Phúc Du Sơn,
Cử:
      Bảo Phúc, Trường Khánh đi chơi núi. Bảo Phúc lấy tay chỉ nói, "Đó chính là Diệu Phong Đỉnh." Trường Khánh nói, "Đúng thì có đúng, nhưng thật đáng tiếc!" Tuyết Đậu phê rằng, "Hôm nay đi chơi núi với mấy gã này để làm gì?" Rồi lại nói, "Trăm ngàn năm sau chẳng nói là không có, chỉ là có ít thôi." Sau có kẻ kể lại cho Kính Thanh. Thanh nói, "Nếu như không có Tôn công (Trường Khánh) thì đồng hoang đã đầy đầu lâu rồi."
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
   Trong kinh có nói đến Diệu Phong Đỉnh. Tỳ khưu Đức Vân chưa bao giờ xuống khỏi Diệu Phong Đỉnh. Thiện Tài đến tham phỏng bảy ngày mà không gặp. Một hôm lại gặp nhau ở đỉnh núi khác. Gặp rồi, Đức Vân giảng cho Thiện Tài về một niệm ba đời (nhất niệm tam thế), trí huệ của tất cả chư Phật thể hiện qua các pháp môn. Tỳ khưu Đức Vân đã không bao giờ xuống núi, sao lại cùng Thiện Tài gặp nhau trên đỉnh núi khác? Nếu bảo rằng Đức Vân xuống núi, sao trong kinh lại nói rõ ràng rằng Đức Vân chưa từng hạ sơn, vẫn thường ở trên Diệu Phong Đỉnh. Đến chỗ này rồi thì hãy nói xem Đức Vân và Thiện Tài ở đâu?
(4) Bích Nham Lục, tắc 35,  Văn Thù Tam Tam,
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
       Vô Trước đi chơi Ngũ Đài Sơn, giữa đường đến chỗ hoang vu. Văn Thù hóa phép tạo ra một ngôi chùa để cho Sư trú đêm. Văn Thù hỏi, "Vừa rời chốn nào?" Vô Trước nói, "Phương Nam." Văn Thù nói, " Phật pháp phương Nam trụ trì thế nào?" Vô Trước nói, "Các tỳ khưu thời mạt pháp ít giữ giới luật." Văn Thù hỏi, "Tăng chúng thường có bao nhiêu người?" Vô Trước nói, "Hoặc ba trăm hoặc năm trăm." Vô Trước lại hỏi, "Ở đây trụ trì như thế nào?" Văn Thù nói, "Phàm thánh ở chung, rồng rắn lẫn lộn." Vô Trước nói, "Tăng chúng được bao nhiêu người?" Văn Thù nói, "Tiền tam tam, hậu tam tam (trước ba ba, sau ba ba)."
      Sau đó dùng trà. Văn Thù giơ chén pha lê lên hỏi, "Phương Nam có cái này không?" Vô Trước nói, "Không." Văn Thù nói, "Thế dùng cái gì để uống trà?" Vô Trước không nói gì được, bèn từ biệt ra đi. Văn Thù sai Quân Đề Đồng Tử tiễn ra cửa. Vô Trước hỏi Đồng Tử, "Vừa rồi đại thánh nói "tiền tam tam, hậu tam tam" là bao nhiêu vậy?" Đồng Tử gọi, "Đại đức!" Vô Trước đáp, "Dạ." Đồng Tử nói, "Là bao nhiêu?" Vô Trước lại hỏi, "Đây là chùa gì?" Đồng Tử đưa tay chỉ tượng Kim Cương phía sau lưng. Lúc Vô Trước quay đầu lại thì ngôi chùa đã biến mất và Đồng Tử cũng không thấy, chỉ còn là một cái hang trống không. Về sau nơi ấy được gọi là hang Kim Cương.

Phỏng dịch thơ:
      Lang Thang Chơi Núi
Nhẹ nhàng nắng sớm xóa sương mai,
Chống gậy ung dung hướng tuyệt nhai.
Bước tới, chân theo mùi cỏ dại,
Quay về, gót giẵm dấu hoa phai.
Hỏi đường Ngũ Lão, tăng mờ mịt,
Bàn chuyện Diệu Phong, khách miệt mài.
Chùa vắng đồng hoang đêm tạm trú,
Một câu chuyển ngữ lụy trần ai.
              Trần Văn Lương
                 Cali, 5/2019


Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư:
     Núi chỉ là núi, sông chỉ là sông, có gì rắc rối đâu!
     Muốn đi chơi núi ư? Ối dào, thì cứ "đi theo mùi cỏ thơm, về theo vết hoa rụng".
     Thắc mắc làm chi chuyện đó là Ngũ Lão Phong, Diệu Phong Đỉnh hay Ngũ Đài Sơn.
     Thương thay, một câu không biết rõ, đành trọn kiếp lang thang.
     Hỡi ơi!

No comments:

Post a Comment