Dạo:
Cuối tuần con Cóc thức đêm,
Bỗng nghe im lặng vang rền điếc tai .
Âm Hán Việt:
Dạ thanh
Nguyệt ẩn, dạ mông mông,
Trùng thanh diệc tiệm chung.
Đăng quang du thủy diện,
Vân ảnh bạc sơn phong.
Khiết trượng, tăng do thống,
Điểm đầu, thạch dĩ thông.
Canh tàn, phong bất khởi,
Mặc mặc sử nhân lung.
Trần Văn Lương
Nghĩa:
Tiếng đêm
Trăng trốn, đêm tối mờ mịt,
Tiếng côn trùng cũng dần dứt.
Ánh đèn bơi trên mặt nước,
Bóng mây ghé đậu trên ngọn núi .
Ăn gậy, tăng vẫn còn đau ,(1)
Gật đầu, đá đã thông hiểu đạo .(2)
Canh tàn mà gió không nổi lên,
Im lìm lặng lẽ làm điếc tai người .(3)
Chú thích:
(1) Công án: (Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 7, p. 406)
Bảo Phúc Tùng Triển Thiền Sư thấy ông tăng, bèn lấy gậy đánh vào cây cột bên đường, xong lại đánh vào đầu ông tăng.
Ông tăng kêu đau . Sư nói:
- Tại sao cái kia (cây cột) không đau nhỉ ?
Tăng không đáp được.
(2) Công án: (Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 5, p. 274)
Vân Nham Đàm Thạnh Thiền Sư hỏi ông tăng :
- Từ đâu tới ?
Tăng đáp:
- Từ chỗ nói chuyện với đá tới .
Sư hỏi:
- Thế tảng đá có gật đầu không ? (*)
Tăng không đáp được. Sư bèn trả lời hộ :
- Trước khi nói năng thì đã gật đầu rồi .
(*) Tương truyền Đạo Sinh giảng Phật pháp cho tảng đá, đá nghe xong gật đầu .
(3) Công án: Kinh Duy Ma Cật, phẩm Nhập Bất Nhị Pháp Môn
Văn Thù hỏi Duy Ma Cật:
- Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ tát ?
Duy Ma Cật im lặng.
Văn Thù tán thán:
- Lành thay ! Lành thay ! Cho đến chẳng có văn tự, lời nói mới là nhập pháp môn bất nhị chân chính.
Thiền sử gọi sự im lặng này của Duy Ma Cật là "mặc như lôi", im lặng như sấm sét.
Dịch thơ:
Tiếng đêm
Trăng lặn, bóng đen lan,
Côn trùng dứt tiếng than.
Đèn khuya bơi bể cả,
Mây tối đậu non ngàn.
Đá gật đầu hoan hỉ,
Tăng ăn gậy bẽ bàng.
Canh tàn, không điểm gió,
Đêm tĩnh lặng rền vang.
Lời bàn lếu của Phi Dã Thiền Sư:
Đêm tối lặng yên mà tiếng rền hơn sấm.
Thiên nhiên quả có nói ư ? Người quả có nghe ư ?
Thầy Khổng bảo :
" ... Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên,bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai ..." (Luận ngữ)
(Nghĩa: Trời có nói gì đâu, bốn mùa xoay chuyển,trăm vật sinh ra, trời có nói gì đâu ...)
Hãy lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay ! (**)
(**) Công án của Bạch Ẩn Huệ Hạc.
No comments:
Post a Comment